Văn hóa

Hiện tượng như Khá Bảnh là rất nguy hiểm cho xã hội

14:13 - 03/04/2019
Từ sáng ngày 3/4 người dùng không thể truy cập vào kênh Youtube của Ngô Bá Khá, có biệt danh Khá “Bảnh”, vừa bị công an tỉnh Bắc Ninh tạm giữ. Trước đó1 ngày, Cục PTTH và TTĐT, Bộ TT&TT đã gửi yêu cầu tới YouTube, đề nghị khóa - hạ kênh Youtube của Khá Bảnh.

Một trong những clip phản cảm của Khá "Bảnh": đốt xe máy, nhưng lại được tung hô

Youtube xóa kênh video của Khá "Bảnh"

Trước khi bị xóa, kênh video này đã bị Youtube tắt chức năng kiếm tiền. Theo Công an tỉnh Bắc Ninh, những clip mà Khá đăng tải đều được dàn dựng với nội dung phản cảm, câu like để kiếm tiền từ Youtube. Tuy nhiên, giới trẻ lại thần tượng, cổ súy những hành vi này.

Vấn đề đặt ra hiện nay là, tại sao một kênh video có nội dung phản cảm, câu like kiếm tiền như vậy lại có thể tồn tại ngang nhiên trên mạng xã hội với những clip lên tới 25 triệu lượt xem, chứa đựng những nội dung phản cảm.

Ngoài kênh này, thời gian gần đây, các hiện tượng mà dân mạng gọi là “giang hồ” như Khá “Bảnh” thu hút rất nhiều người theo dõi bằng các clip miêu tả lối sống thiếu lành mạnh theo chuẩn mực chung của xã hội, thậm chí chơi bời, cờ bạc, đánh đấm... Những kênh như vậy có thể có ảnh hưởng nhất định đến suy nghĩ, nhận thức, hành vi của người dùng mạng xã hội.

Theo phát biểu của ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT tối ngày 2/4 trong chương trình Thời sự trên VTV “Hai năm nay chúng tôi đã thống nhất được với Google là sẽ không chia sẻ tiền quảng cáo cho những nội dung mà phía Bộ Thông tin Truyền thông yêu cầu.” Tuy nhiên, theo lời khai của Khá “Bảnh” tại cơ quan công an, có những tháng được trả tới 20.000 USD từ việc quay clip rồi đăng tải lên Youtube. 

Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT. Ảnh ICTNews

Khá khai rằng bắt đầu làm video vui vẻ trên Youtube từ năm 2017 và không xuất phát từ ý tưởng nào. Mấy tháng gần đây Khá mới được trả tiền, có tháng lên tới cả trăm triệu đồng. Với một số clip gặp nhiều bình luận không hay của người xem, Khá đã gỡ xuống.

Tuy nhiên, dư luận xã hội quan tâm không chỉ là vấn đề Khá “Bảnh” thu được bao nhiêu tiền từ nguồn quảng cáo của youtube mà vấn đề thông tin từ trang này đã tồn tại một thời gian dài, có tác dụng xấu, định hướng lệch chuẩn cho giới trẻ. Hiện vẫn còn tồn tại những trang khác cũng có ảnh hưởng xấu, vậy nếu vẫn xem được những thông tin mang tính khuyến khích phát triển hình tượng anh hùng giang hồ thì ai dám chắc sẽ có bao nhiêu em học theo, bao nhiêu băng đảng giang hồ sẽ lũng đoạn xã hội.

Thiếu cơ chế kiểm soát thông tin độc hại trên mạng xã hội 

PGS. TS. Trần Thành Nam Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục – Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN cho rằng: "Vụ việc Khá Bảnh cho thấy chúng ta đang thiếu cơ chế kiểm soát và ngăn chặn thông tin độc hại trên mạng xã hội. Luật của chúng ta không dự đoán trước mà chỉ đi sau vụ việc đã xảy ra." 

"Đây cũng không phải là vụ việc duy nhất mà hiện phong trào sản xuất clip đưa lên mạng xã hội, đã mang tới nhiều nội dung không có tính giáo dục tốt cho trẻ em, thậm chí phản giáo dục. Quá nhiều trang mạng xã hội giáo dục kiểu này, khiến một bộ phận thanh thiếu niên mất định hướng."

PGS. TS. Trần Thành Nam Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục – Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN. Ảnh: baoquocte.vn

Theo số liệu của ComScore - một trong những công ty dẫn đầu thế giới về đo lường và đánh giá hiệu quả các giải pháp marketing trực tuyến đã từng công bố báo cáo về thị trường trực tuyến tại Việt Nam và châu Á, trong hơn 30 triệu người sử dụng internet tại Việt Nam, có khoảng 87,5% đã và đang sử dụng các mạng xã hội, đa số là những người trẻ tuổi, nằm trong độ tuổi 15-34 (khoảng 71%) (1). Hiện nay, giới trẻ Việt Nam đang sử dụng các mạng xã hội có độ phủ sóng toàn cầu như Facebook, Instagram, Youtube, Twitter, Myspace.

Mạng xã hội đặt ra không ít lo ngại, GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho biết: "Trên toàn thế giới, tỷ lệ rối loạn tâm thần liên quan tới rối loạn nhân cách là 37%, bao gồm cả tự kỷ hay trầm cảm. Cha mẹ vô tình là người tiếp tay cho căn bệnh rối loạn nhân cách. Chẳng hạn để dỗ trẻ không khóc hoặc chịu ăn, cha mẹ bật clip bạo lực bắn nhau hoặc thậm chí đâm chém, dù là hoạt hình hay trò chơi để trẻ tập trung vào hoạt động đó, sẽ khiến trẻ dần sống trong thế giới ảo, không giao tiếp với thế giới thật, dẫn tới rối loạn hoặc trầm cảm..."

GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam. Ảnh: D.T

"Rõ ràng, mạng xã hội ở đây chúng ta nên có phần mềm lọc thông tin mang tính cảnh báo cho các bậc phụ huynh khi con em tiếp cận thông tin xấu: Chẳng hạn bạo lực, tình dục....Những phần mềm này ở nước ngoài họ đã thực hiện từ lâu. Cha mẹ đóng vai trò cũng rất quan trọng trong việc giáo dục kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng ứng xử với mạng xã hội thế nào là đúng chuẩn mực cho giới trẻ", GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú nói.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 2/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VP Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: hiện tượng như Khá Bảnh là không thể chấp nhận được.

Phát biểu của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng:


Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết đang xác minh thông tin cho rằng, có trường học mời Khá “bảnh” về giao lưu như là một thần tượng.

Khá "Bảnh", tên thật là Ngô bá Khá, sinh năm 1993, quê quán Bắc Ninh, có hơn 600.000 người theo dõi trên mạng xã hội. 

Trước khi bị Công an tỉnh Bắc Ninh bắt giữ vào tối 1/4, Ngô Bá Khá bị cảnh sát lập biên bản ghi nhận vụ đốt xe máy rồi đăng video lên mạng và đừng xe chụp ảnh trên cao tốc. 

Khám xét nhà Khá, cảnh sát thu giữ nhiều hồ sơ, giấy tờ liên quan đến hoạt động tín dụng đen, tổ chức đánh bạc dưới hình thức ghi lô, đề. 

Thời điểm bắt giữ, Khá Bảnh phản ứng dương tính với chất ma túy.  


Mai Lan/Vietnam Jouney