Văn hóa

Hình ảnh áo dài ngũ thân trong Triển lãm trang phục truyền thống các nước ASEAN

21:04 - 22/10/2020
Giữa muôn màu muôn vẻ những trang phục truyền thống các nước ASEAN, chiếc áo dài ngũ thân vẫn mang một vẻ đẹp riêng có, thể hiện bản sắc không thể trộn lẫn. Chính là chiếc áo dài ngũ thân chứ không phải điều gì khác là điểm nhấn nổi bật tại Triển lãm trang phục truyền thống các nước ASEAN tại Hà Nội.

10 quốc gia thành viên tham dự Triển lãm trang phục truyền thống các nước ASEAN 2020

Triển lãm trang phục truyền thống các nước ASEAN 2020 đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội) trưng bày một phần nhỏ trong kho tàng văn hóa trang phục truyền thống của 10 quốc giathành viên ASEAN: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Trong sự kiện văn hóa được tổ chức hướng tới kỉ niệm 5 năm thành lập cộng đồng ASEAN và Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN này, điểm nổi bật và gây ấn tượng nhất với đông đảo đại biểu trong nước và bạn bè quốc tế chính là hình ảnh những chiếc áo dài ngũ thân truyền thống được gần 50 thành viên nhóm “Đình làng Việt” tự hào khoác lên mình. 

Hình ảnh những chiếc áo dài ngũ thân gợi nhớ về một thời lịch sử trong quá khứ

Anh Đinh Hồng Cường, Phó chủ nhiệm Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống, nhóm “Đình làng Việt” là người gắn bó lâu năm với việc khôi phục, gìn giữ và quảng bá áo dài ngũ thân chia sẻ, việc các thành viên nam của nhóm “diện” áo ngũ thân tham dự “Triển lãm trang phục các nước ASEAN” như là minh chứng cho thấy sức sống trường tồn của kiểu trang phục từng có lịch sử hàng trăm năm nhưng do những biến đổi của thời cuộc và những thăng trầm của lịch sử mà gần như vắng bóng trong cuộc sống hàng ngày.

Những tà áo truyền thống xuất hiện ấn tượng tại buổi triển lãm

“Đã rất lâu rồi chúng ta không còn được nhìn thấy những bộ áo ngũ thân thanh lịch, nền nã ẩn chứa những triết lý nhân sinh sâu sắc mà cha ông để lại. Giờ hình ảnh áo ngũ thân chỉ còn hiện diện trong các bảo tàng, các nhà triển lãm văn hóa hay các nghi lễ tâm linh, lễ hội… Với tôi, “Triển lãm trang phục các nước ASEAN” hôm nay là cơ hội tuyệt vời để chúng tôi cùng đến, giới thiệu cho bạn bè trong nước và quốc tế biết đến chiếc áo ngũ thân truyền thống mang bản sắc văn hóa Việt,” anh Hồng Cường chia sẻ.

Anh Đinh Hồng Cường, Phó chủ nhiệm Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống, nhóm “Đình làng Việt”

Ông Lê Việt Dũng, cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, cũng là một thành viên của “Đình làng Việt” lặn lội gần trăm cây số để có mặt tại sự kiện văn hóa này, để khẳng định một di sản dường như “thất truyền” của cha ông. 

“Áo dài ngũ thân là một di sản rất quý của ông cha ta, là chuẩn mực từ thẩm mỹ cho đến công năng, công dụng. Dù đã tồn tại từ trước đó khá lâu nhưng phải tới thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765) mới ban hành chỉ dụ chọn áo dài ngũ thân là trang phục chính thức cho toàn xứ Đàng trong, khẳng định sự độc lập về văn hóa trang phục của Việt Nam". 

Ông Lê Việt Dũng, cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, thành viên của nhóm “Đình làng Việt” lặn lội gần trăm cây số tham dự Triển lãm

Bộ áo dài ngũ thân có vẻ đẹp và hàm ý sâu xa mà nhiều người đến giờ vẫn không biết. Đó là áo ngũ thân có 5 thân: 4 thân tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, còn một thân bên trong là tượng trưng cho bản thân mình. Cổ áo cao 4 phân, có 5 chiếc cúc tượng trưng cho 5 đức tính tốt đẹp của người đàn ông Việt Nam: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.”

Sự hiện diện của chiếc áo dài ngũ thân trong các lễ hội, sự kiện văn hóa đang cho thấy một “làn sóng” phục hồi, bảo tồn và quảng bá nét đẹp trong trang phục truyền thống dù âm ỉ nhưng lại có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Áo dài ngũ thân Việt Nam nổi bật tại phòng trưng bày

Nghệ nhân Phạm Văn Tuyền, một thành viên của “Đình làng Việt” đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, là một người làm trong lĩnh vực may đo trang phục và nhiều năm nghiên cứu tìm hướng phát triển áo dài ngũ thân truyền thống, ông đang lên kế hoạch phát triển các kiểu áo ngũ thân dành cho nhiều đối tượng, trong đó tiêu chí quan trọng hàng đầu là giữ nguyên kiểu dáng, chỉ làm mới qua màu sắc để phù hợp với hơi thở hiện đại.

Nghệ nhân Phạm Văn Tuyền (áo cam), một thành viên của “Đình làng Việt” đến từ Thành phố Hồ Chí Minh 

“Nếu nhìn vào kiểu áo ngũ thân xưa mà biết được vai vế hay vị trí của người mặc thì giờ chúng tôi đang tập trung tiếp cận thế hệ trẻ, cụ thể là học sinh, sinh viên. Tôi mơ ước sẽ tạo ra xu hướng mặc áo ngũ thân trong các bạn trẻ để nhìn vào là biết ngay họ là ai. Bên cạnh đó, tôi cũng đang lên kế hoạch để làm sao vừa đảm bảo tính thẩm mỹ truyền thống của chiếc áo ngũ thân, vừa hợp lý về chi phí để ngày càng nhiều người tiếp cận được. 

Dù còn nhiều ý kiến về chiếc áo dài ngũ thân nhưng tôi khuyên các bạn trẻ hãy đón nhận, hãy khoác lên người và cảm nhận, các bạn sẽ thấy được những chân giá trị của nó,” nghệ nhân Văn Tuyền nhắn nhủ.

Các thành viên nhóm "Đình làng Việt" chụp ảnh lưu niệmNhững chàng trai nho nhã, thư sinh trong những chiếc áo ngũ thân truyền thống tham quan các gian trưng bày trang phục ASEANCác bậc cao nhiên vô cùng lịch lãm trong chiếc áo ngũ thânÁo dài ngũ thân Việt Nam nổi bật giữa những trang phục đa sắc màu của các nước ASEAN

Hình ảnh chiếc áo dài ngũ thân hiện diện trong Triển lãm trang phục các nước ASEAN cũng gây ấn tượng mạnh tới các vị khách quốc tế.

Ông Ibnu Hadi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam

Ông Ibnu Hadi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam cho biết: “Chiếc áo dài ngũ thân dành cho nam giới của Việt Nam thực sự rất đẹp và mang tính hoài cổ. Tôi thực sự thấy vô cùng ấn tượng vì nó rất đẹp và hoàn toàn khác biệt, nó gợi nhớ cho tôi về những ngày xa xưa trong quá khứ. Những chiếc áo dài này đã tôn lên vẻ nho nhã, thư sinh và thanh lịch của các chàng trai, thực sự rất ấn tượng.”

Anh Đinh Hồng Cường, Phó chủ nhiệm Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống, nhóm “Đình làng Việt” giới thiệu với ông Ibnu Hadi, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam lịch sử và nét đặc trưng của chiếc áo ngũ thân dành cho nam giới Việt NamĐại sứ Ibnu Hadi chụp ảnh lưu niệm với nhóm "Đình làng Việt" trong trang phục áo ngũ thân

Giữa những trang phục đa sắc màu của nhiều quốc gia ASEAN hay giữa đám đông, những chiếc áo dài ngũ thân truyền thống Việt Nam vẫn mang một bản sắc riêng không thể trộn lẫn, dường như tái hiện một thời vàng son trong quá khứ và nhắc nhở chúng ta về những giá trị di sản truyền thống không thể bị lãng quên…./.

Anh Vũ