Khi các sự kiện lớn kết thúc, rất nhiều tấm pano, áp phích không còn được sử dụng trở thành lượng chất thải lớn ra môi trường. Trăn trở trước vấn đề này, chị Đỗ Diệu Linh ở Hà Nội đã cố gắng thu gom nguồn nguyên liệu dồi dào này sau mỗi đợt sự kiện lớn kết thúc để tái chế thành những sản phẩm đồ gia dụng thân thiện với môi trường.
Chị Linh cho biết: "Tôi thấy rất tiếc vì những tấm pano, áp phích bị bỏ đi, nên nảy ra ý tưởng thu gom lại và sản xuất ra những thứ hoàn toàn bằng bạt như thế, thường là một lớp, làm thành một chiếc túi đi chợ chẳng hạn, và bên ngoài có những hình in nói chung là xinh xắn, không hề đơn điệu."
Qua bàn tay khéo léo của chị Linh và đồng nghiệp, nhiều thứ rác thải hằng ngày lần lượt biến hoá thành những chiếc túi đi chợ, túi đựng tài liệu, túi đựng hộp cơm hay thậm chí là túi đựng rác rất sinh động.
Theo chị, làm tái chế là 1 công việc khó khăn và vất vả vì hầu hết các công đoạn đều làm thủ công, nhưng cũng đầy thích thú và quan trọng là góp sức mình cùng bảo vệ môi trường.
"Bạt rất cứng, dai và dày hơn vải rất nhiều, lại trơn nữa, nên khi xếp hai lớp bạt lên nhau để may rất dễ bị trượt ra khỏi đường may và nhiều lúc sau khi may xong, kỹ thuật may phải lộn lại, cũng là một quá trình rất phức tạp", chị Linh chia sẻ.
Những sản phẩm tái chế từ áp phích, pano cũ
Là sản phẩm thân thiện với môi trường nên các loại túi tái chế này cũng được cộng đồng đón nhận, sử dụng thay vì những chiếc túi nilon tiện ích, hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa thiết thực nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Một khách hàng cho biết, sản phẩm làm bằng pano, áp phích cũ khá là lạ, nhưng đẹp, bảo vệ môi trường và tiện dụng.
Những sản phẩm tái chế vẫn đảm bảo thẩm mỹ và hữu dụng không chỉ giúp giảm thiểu áp lực lên môi trường mà còn là cách tận dụng những thứ tưởng chừng như chỉ có thể đem bỏ đi. Phần lớn rác thải sẽ là nguồn tài nguyên dồi dào nếu chúng ta biết cách khai thác chúng.
Vietnam Journey/ TTXVN