Tái tạo nghệ thuật Phật giáo thế kỷ 17-18
Tạo tác tượng Phật là một nghệ thuật Phật giáo. Và nghệ thuật đó qua các thời kỳ cũng có sự khác biệt rõ rệt, từ chất liệu tới cách thức tạo hình thể hiện nhân tướng của tượng. Theo PGS-TS Trang Thanh Hiền- tác giả cuốn Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt (NXB Hà Nội) phân tích thì: "Thời Lý, tượng thường được chạm khắc bằng đá với kích thước lớn.
Thời Trần, chất liệu đồng được ưa chuộng. Giai đoạn này Phật giáo được xem là quốc giáo, nên việc dựng chùa, tạo tượng thường do triều đình bỏ tiền ra hưng công. Do đó, chất liệu sử dụng cũng là chất liệu bền vững, trau chuốt, tỉ mỉ. Từ sau thời Mạc, với sự thay đổi của hình thức kiến trúc ngôi chùa Việt, truyền thống tượng đá vẫn tiếp tục nhưng điêu khắc gỗ bắt đầu phát triển mạnh hơn. Kỹ thuật chạm khắc gỗ và sơn thếp tượng Phật cũng đạt đến đỉnh cao ở thế kỷ 17 - 18".
Chọn kế thừa và chắt lọc những thành tựu trong nghệ thuật tạo tác tượng Phật ở thời kỳ đỉnh cao nhất là thế kỷ 17-18, các nghệ nhân đúc tượng danh tiếng đã tạo nên một hệ thống tượng Phật đồ sộ với 110 pho tại Bảo Hải Linh Thông Tự trên đỉnh Ba Đèo, TP. Hạ Long, Quảng Ninh, thuộc tổ hợp Sun World Halong Complex. Các bức tượng đều được chế tác trên hai chất liệu chủ đạo là gỗ mít và đồng, trong đó có 66 bức tượng đồng tạo tác vô cùng công phu, theo công nghệ đúc đồng khuôn vỏ mỏng hiện đại nhất hiện nay.
"Trước khi tiến hành tạo hình, chúng tôi đã tham khảo các mẫu tượng thờ tại nhiều chùa cổ Việt Nam ở Bắc Bộ như: Chùa Bà Đá, Chùa Lý Quốc Sư, Chùa Hoà Mã, Chùa Chân Tiên, Chùa Vua, Chùa Mía, Chùa Tây Phương (Hà Nội) và chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang).
Tiêu biểu và ấn tượng nhất trong hệ thống tượng Phật tại Bảo Hải Linh Thông Tự là 2 pho Hộ Pháp và Tam Tổ Trúc Lâm lấy mẫu ở chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), tượng Quan Âm tọa sơn lấy mẫu từ Chùa Hương, Thập Bát La Hán lấy mẫu từ chùa Tây Phương, Bát Bộ Kim Cương lấy mẫu tại Chùa Mía...", nghệ nhân Nguyễn Bá Đua chia sẻ.
Tuy nhiên, tác giả không sao chép y nguyên các mẫu tượng tại những ngôi chùa cổ nói trên mà có sự kế thừa, chắt lọc hoa văn, kiến trúc trên từng hình mẫu.
"Thời xa xưa, các mẫu tượng tại nhiều ngôi chùa cổ Việt Nam là do nhân dân tạo tác nên. Đôi khi họ có thể tạo hình trên bản thể gỗ, đá. Tuy nhiên, những chất liệu này tồn tại điểm hạn chế là tiết diện không đủ lớn để chế tác được nguyên bức tượng. Khi đó, ông cha ta sẽ tự điều chỉnh, khiến bức tượng đôi khi chưa hài hòa. Có một thực tế là rất nhiều bức tượng cổ ở các ngôi chùa chân tay không cân đối. Tay quá dài mà chân lại rất ngắn. Do đó, chúng tôi sẽ tự cân đối lại tỷ lệ để tạo nên chỉnh thể nghệ thuật hoàn mỹ hơn," nghệ nhân Nguyễn Bá Đua cho biết thêm.
Hệ thống tượng đồng độc đáo hiếm có tại Việt Nam
Quá trình tạo tác 66 pho tượng đồng tại Bảo Hải Linh Thông Tự là cả một sự kỳ công, khi các nghệ nhân chuyển thể mẫu tượng từ chất liệu gỗ sang đồng đỏ giả cổ nhưng vẫn phải đảm bảo giữ nguyên bản thể của mẫu cũng như thần thái, cốt cách của từng pho tượng.
Theo nghệ nhân Phạm Bá Đua, việc tạo tác mới các bức tượng cũng giúp khắc phục được những tồn tại ở tượng mẫu. Trước đây, các nghệ nhân chế tác tượng gỗ phải lựa theo thế gỗ, dẫn đến tỷ lệ các bộ phận trên thân tượng không cân đối. Do đó, khi làm tượng mới bằng chất liệu đồng, các nghệ nhân đã điều chỉnh tỷ lệ, đảm bảo sự hài hòa, cân đối.
Trong số 66 bức tượng đồng, riêng 2 pho tượng Hộ Pháp trừ ác và Hộ Pháp khuyến thiện là khó làm hơn cả. Trước hết, khi chép nguyên mẫu tượng cổ từ chất liệu gỗ chuyển sang đúc đồng đòi hỏi đường nét trên tượng đồng giả cổ phải mềm mại hơn song vẫn giữ nguyên được dáng hình và thần thái của tượng gỗ cổ. Bên cạnh đó, công nghệ đúc đồng được sử dụng là khuôn vỏ mỏng, một công nghệ cao bậc nhất hiện nay.
Do công suất của lò nung và lò nấu đồng không đáp ứng được thể tích của Pho tượng Hộ Pháp nên các nghệ nhận phải đúc từng phần, sau đó ráp lại thành khối tượng theo mẫu. Việc đúc từng phần đòi hỏi phải được thực hiện thật tinh xảo, để khi hàn ráp lại các khối không có sự lệch lạc dù là nhỏ nhất. Do đó, công đoạn ráp các khối tượng cũng phải được làm thật chính xác đến từng li mới giữ được thần thái và hình khối của tượng mẫu.
Để tạo màu giả cổ cho các tượng đồng, nghệ nhân phải điều chỉnh màu bằng hóa chất trên chính chất liệu đồng, tại các vị trí khác nhau, mức độ oxy hóa khác nhau. Việc điều chỉnh màu cũng đòi hỏi nghệ nhân phải có tay nghề cực kỳ vững, bởi chỉ cần sai lệch nhỏ trong liều lượng hóa chất sử dụng để chỉnh màu, rất có thể bức tượng sẽ chuyển sang một sắc màu đồng không như mong muốn.
"Tượng đúc theo công nghệ mới này thể hiện được đầy đủ, rõ ràng từng chi tiết nhỏ. Hàm lượng đồng sử dụng cao, không bị pha lẫn các hợp chất dẫn chảy, nhờ đó hạn chế được quá trình oxy hóa", ông Nguyễn Bá Đua cho biết thêm.
Được tạo tác kỳ công, bằng cả tâm huyết và sự tỉ mẩn đến từng chi tiết của những nghệ nhân lành nghề còn sót lại trong giới chế tác tượng Phật, hệ thống tượng tại quần thể tâm linh Bảo Hải Linh Thông Tự được giới chuyên môn đánh giá cao, coi đây là một trong những hệ thống tượng Phật đặc sắc và độc đáo hiếm có ngôi chùa nào có được. Và việc khám phá, chiêm bái quần thể tâm linh trên đỉnh Ba Đèo để tìm hiểu, chiêm ngưỡng những tạo tác này cũng là một trải nghiệm đắt giá, trong hành trình du ngoạn Hạ Long của du khách và Phật tử bốn phương.
Theo Tổ quốc
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |