“Hỡi cô thắt cái bao xanh
Có về Chuôn Ngọ với anh thì về
Chuôn Ngọ có cây bồ đề
Có sông tắm mát, có nghề khảm khay.’’
Đây là những câu ca dao đã đi vào tiềm thức của người làng Chuôn Ngọ như niềm tự hào về nghề truyền thống của ông cha.
Ông Nguyễn Văn Hỏi, Chủ tịch Hiệp hội Khảm trai làng Chuôn Ngọ, kể rằng làng Chuôn Ngọ đã có cách đây cả nghìn năm. Tổ nghề là Trương Công Thành đã giúp vua nhà Lý dẹp Tống trừ Xiêm. Sau đó, ngài về trả ấn từ quan, sống cuộc đời điền viên giản dị.
Chiều hoàng hôn, ngài thấy những vỏ trai lấp lánh bên sông rất đẹp nên mang về chắp, ghép thành hoa lá cỏ cây trong nhà để ngắm. Qua thời gian, ngài thấy đẹp và phổ biến cho dân làng. Dần dần, nghề được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và nhiều sản phẩm khảm trai tinh xảo ra đời.
Hiện nay, ở xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên Hà Nội, cả 7 thôn trong xã đều làm nghề khảm trai theo hướng chuyên môn hóa.
Từ bao đời nay, những nghệ nhân làm Chuôn Ngọ vẫn say sưa vẽ, cưa, cẩn những nét họa tiết li ti với những tấm gỗ thành phẩm. Mỗi sản phẩm là một sự kết tinh của những tinh hoa nghệ thuật gom góp từ bao đời.
Vỏ ốc vỏ trai là nguyên liệu chính làm nên cái hồn của mỗi tác phẩm khảm trai Chuôn Ngọ
Những vỏ trai khi mới nhập về không phải đã bóng đẹp như thế này
Chỉ có lớp tinh khiết ở giữa của vỏ ốc mới được lựa chọn rồi mài nhẵn và ép phẳng để làm nguyên liệu để khảm. Phần lớn vỏ ốc, vỏ trai được nhập từ nước ngoài, giá thành rất cao, có loại ốc xà cừ lên tới 40-50 triệu đồng/lạng.
Khảm trai là một chặng đường nghệ thuật, nơi những nghệ nhân khảm luôn miệt mài với những mảnh xà cừ hay từng thớ gỗ, tạo nên những tác phẩm sống mãi với thời gian.
Cưa đục các mảnh trai là một trong những công đoạn quan trọng của nghề khảm trai. Với bàn tay khéo léo, người thợ có thể tạo nên muôn vàn họa tiết sống động từ những mảnh trai vô tri vô giác.
Nghề làm khảm trai có rất nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Người thợ phải có con mắt tinh tường, óc thẩm mỹ mới có thể tạo nên một tác phẩm mang tính nghệ thuật.
Khảm trai Chuôn Ngọ tinh tế, các chi tiết đục và cẩn trai rất khít, nhiều đường nét tinh xảo. Sản phẩm có giá trị rất cao. Một tủ chè cần 300 – 500 công thợ mới hoàn thành, hay một chiếc điếu nhỏ cũng cần 15-16 công thợ.
Bằng bàn tay khéo léo, những người thợ thủ công ở làng Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, đã thắp lên những ngọn lửa từ những vỏ ốc vỏ trai dường như vô cảm.
Với những sản phẩm khảm trai tinh xảo, độc đáo và nghề truyền thống lâu đời, làng khảm trai Chuôn Ngọ là điểm du lịch sinh thái làng nghề hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Ông Vũ Quốc Thương, Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, cho biết: “Việc quảng bá, giữ gìn sản phẩm của làng nghề là bước quan trọng nên xã đã có quy hoạch hơn 10.000 m2 để sau này đưa các sản phẩm làng nghề ra khu vực đó. Quan trọng nhất là gọi vốn đầu tư, đặc biệt là với Sở Du lịch Hà Nội để làm tour du lịch Phú Túc, Chương Mỹ, Vân Từ, Phú Yên (Hà Nội) Nếu phát triển như vậy, các sản phẩm của Chuyên Mỹ có cơ hội vươn xa.”
Đường đến làng khảm trai Chuôn Ngọ: Cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km về phía Nam. Để tới Chuôn Ngọ, bạn đi theo đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, đến địa phận xã Đỗ Xá, huyện Thường Tín, rẽ vào QL 1 (cũ), theo hướng về huyện Phú Xuyên, rồi hỏi tiếp đường về xã Chuyên Mỹ. Sản phẩm khảm trai Chuôn Ngọ có giá trị cao, từ các loại sập, gụ, tủ, bàn, ghế, tranh sơn mài, đồ trang trí… giá cả có thể từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều sản phẩm thủ công của Chuôn Ngọ đã vươn xa ra thị trường quốc tế như Anh, Nga, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản. |
Lê Liên – Trọng Đại/ Vietnam Journey
Mời quý độc giả xem các chương trình đã phát sóng về các làng nghề độc đáo của Việt Nam tại đây.