Văn hóa

Kho lương thực độc đáo của người Êđê

11:02 - 17/10/2019
Ngày nay, hiếm khi trông thấy bóng dáng những kho lúa nho nhỏ của người dân. Nhưng ở Tây Nguyên, đồng bào Êđê ở buôn Zô (xã Cư Prao, huyện M'Đrắk) vẫn gìn giữ nhiều nét đẹp truyền thống, phong tục này của dân tộc.

Tây Nguyên: Nơi dự trữ lương thực độc đáo của người Êđê   - Ảnh 1.Kho lúa nhỏ nhỏ xinh trên nương được người dân làm từ ngày xưa

Sống yên bình bên những triền đồi nhấp nhô, chúng tôi đến buôn Zô vào buổi chiều tà đúng lúc chị H' Plya Ksơr mở kho kiểm tra xem lúa có bị đàn chim tấn công. Chị cho biết, kho thóc này là nơi cất chứa, dự trữ lương thực, hạt giống của gia đình được dựng cách đây 10 năm. Theo phong tục Êđê, tất cả các loại nông sản như lúa, bắp, sắn... thu hoạch về phơi khô rồi bảo lưu trong kho. Kho có hình dáng như ngôi nhà dài thu nhỏ, diện tích chỉ chừng 10 - 15 m2, được làm bằng ván, trụ gỗ, mái lợp tôn kiên cố, kín đáo tránh mưa, nắng và các loại chim chóc chui vào.

Kho được làm riêng biệt. Khi dựng nhà, người dân thường ưu tiên làm phần kho trước, thường nằm phía sau nhà ở, phần cửa đều được mở ở phía ngoài. Đặc biệt, kho có cầu thang riêng nhưng không đặt cố định mà khi nào cần mới bắc lên. Tùy vào điều kiện nhà đông người, có rẫy nhiều thì dựng thêm kho để chứa nông sản. Trong kho, người dân bố trí phần giống và lúa ăn riêng biệt. Những hạt giống như: Mướp, cà, ớt, bầu bí, bắp... thường treo lên cao ở một góc kho hoặc cho vào ống tre đậy kín chống mối mọt tấn công; lúa giống được đựng vào các bồ đan bằng nứa, mây có nắp tránh bị côn trùng, chim chóc phá hoại; còn lúa ăn, hoa màu dự trữ... thì để riêng một bên cho tiện lấy.

Tây Nguyên: Nơi dự trữ lương thực độc đáo của người Êđê   - Ảnh 2.Kho thóc của gia đình chị H' Plya Ksơr ở buôn Zô, xã Cư Prao

Già làng Y Tháp Niê (buôn Zô, xã Cư Prao) lý giải về sự hiện diện của kho thóc: Người Êđê quan niệm, thóc do Yàng (thần linh) ban tặng nên người và thóc không được ở cùng nhau. Con người có nhà để ở thì hạt thóc cũng phải có kho. Mỗi gia đình phải có một kho thóc bài bản, tách riêng với nhà ở nếu không Yàng sẽ giận và không ban cho mùa màng bội thu. Lúa đến mùa thu hoạch sẽ bị con chim, con sâu, con sóc trên rừng ăn mất và người trong nhà sẽ bị đói kém. Nên nhà ở có thể cũ nát nhưng kho thóc luôn phải khang trang bởi đó là nơi cất trữ nguồn lương thực thiết yếu của con người. Hơn nữa, kho thóc tách bạch với nhà ở cũng cách để tránh những thiệt hại do hỏa hoạn, bảo đảm nguồn lương thực và giống má cho mùa sau. Kho thóc còn là hình ảnh của no ấm, thể hiện sự quý trọng, biết giữ gìn hoa màu, lương thực của đồng bào bản địa. 

Già Y Tháp kể tiếp, trước đây làm ra hạt thóc, hạt bắp rất khó lại trong điều kiện kinh tế tự cung tự cấp nên có năm mất mùa hoặc tới mùa giáp hạt là đói. May có kho thóc, nhà còn thì san sẻ cho nhà hết, cùng nhau dìu qua khốn khó. Những lúc ấy mới thấy hết ý nghĩa của kho thóc và cái tình đoàn kết sống vì cộng đồng của đồng bào Êđê.

Tây Nguyên: Nơi dự trữ lương thực độc đáo của người Êđê   - Ảnh 3.Hạt lúa được bảo quản trong nhà kho

Đời sống buôn làng ngày nay đã khởi sắc, hiếm cảnh thiếu đói song người dân buôn Zô vẫn duy trì kho thóc. Theo trưởng buôn Y Sóc Niê, buôn Zô có 96 hộ với 238 nhân khẩu, trong đó chỉ có 2 hộ người kinh, còn lại là Êđê. 100% hộ Êđê còn lưu giữ kho thóc, mỗi nhà có từ 1 - 2 kho để đựng lúa bắp, hạt cà phê... Hằng năm, người dân còn duy trì lễ cúng hồn lúa từ khi đem hạt giống ra rẫy trồng tỉa cho đến lúc thu hoạch kết thúc vụ mùa. Quy mô lễ cúng to, nhỏ tùy thuộc vào điều kiện từng nhà nhưng lễ cúng phải có các lễ vật cơ bản gồm: Cơm nếp, thịt lợn, thịt gà, rượu cần... cúng ngay trên kho thóc với lời cầu cho Thần lúa quản lý lúa trong kho, đừng cho hao hụt, lúa ăn đến ngày giáp vụ, no đủ cả năm.

Theo baodansinh.vn