Văn hóa

Kỹ thuật ướp xác cổ đại 7000 năm của Chile được đưa vào danh sách Di sản thế giới

19:38 - 29/07/2021
Kỹ thuật ướp xác lâu đời nhất trên thế giới thuộc về nền văn hóa Chinchorro của Chile vừa được bổ sung thêm vào Danh sách Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO).

Ít ai từng biết người Chinchorro cổ đại, sinh sống tại Chilê từ 7.000 năm trước Công nguyên lại có công nghệ ướp xác "bậc thầy", sớm hơn cả người Ai Cập cổ đại. 

Bộ trưởng Văn hóa Chile Consuelo Valdes cho biết: "Đây chính là sự công nhận đối với một nền văn hóa cổ đại của những dân chài và săn bắn hái lượm tới từ các vùng Arica, Parinacota và Tarapaca, với những điều kiện của một vùng sa mạc khô hạn nhất trên thế giới. Nền văn hóa này không gắn liền với nông nghiệp hay gốm sứ, nhưng phát triển kỹ thuật ướp xác duy nhất và lâu đời nhất trên thế giới với niên đại 7.000 năm. Có thể nói đây là kỹ thuật ướp xác đầu tiên được biết đến trong lịch sử loài người".

Những xác ướp được khai quật của người Chinchorro. Ảnh: R6nationals.Những xác ướp được khai quật của người Chinchorro. Ảnh: R6nationals.

Đến nay, văn hóa ướp xác của người cổ đại Chinchorro vẫn là một bí ẩn. Quá trình ướp xác được cho là bắt đầu từ việc loại bỏ hoàn toàn nội tạng, ruột và các mô của thi thể. Sợi thực vật và lông động vật sau đó được nhồi vào trong xác ướp với phần đầu được khâu kín cùng bộ tóc giả màu đen. Cuối cùng, các xác ướp được sơn màu đỏ hoặc bằng chất mangan hoặc đất thổ hoàng. Một trong những nguyên nhân giúp các xác ướp Chinchorro có thể tồn tại hàng nghìn năm là nhờ có khí hậu khô hạn kèm theo đó là độ mặn cao do gần bờ biển.

Theo VOV.VN

Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV