Văn hóa

Lạ lùng làng nghề trăm tuổi đang dần “trẻ hóa”

06:51 - 23/08/2019
Vốn nức tiếng ở vùng xứ Đông, làng nghề chạm khắc gỗ Đông Giao (xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) nay càng phát triển hơn với “sức trẻ” mạnh mẽ.

Chuyện giữ lửa làng nghề

Đi dọc con đường dẫn vào làng nghề chạm khắc gỗ Đông Giao, du khách sẽ không khỏi trầm trồ bởi rất nhiều các sản phẩm đồ gỗ thủ công mỹ nghệ tinh xảo được trưng bày trước các ngôi nhà nằm sát bên đường. “Đặc sản” của làng Đông Giao chính là mùn cưa và tiếng máy xẻ gỗ, máy cưa nối tiếp nhau từ nhà này sang nhà khác, tạo nên một âm thanh rộn ràng không dứt. 

Hỏi thăm ai là người chạm khắc gỗ lâu năm của làng Đông Giao, ai cũng chỉ cho chúng tôi đến nhà nghệ nhân Vũ Văn Đức – người nghệ nhân nổi tiếng là gương sáng của làng. Đến nơi, trong âm thanh của tiếng cưa, tiếng đục, người nghệ nhân đang say sưa, cặm cụi với tác phẩm mới của mình. Mới 68 tuổi, nhưng nghệ nhân Vũ Văn Đức đã được coi là "già làng" của nghề chạm khắc nổi tiếng xứ Đông.

Làng chạm khắc gỗ Đông Giao nức tiếng xứ Đông

Không gian phòng khách rộng chưa đến 20m2 nhưng treo kín hết cả một mảng tường những tấm bằng khen, giấy chứng nhận từ các hội thi, triển lãm làng nghề trong và ngoài tỉnh tích góp được qua hơn 40 năm làm nghề. Nghệ nhân Vũ Văn Đức chia sẻ: “Ở làng này cứ đến 55 tuổi là con cháu không cho làm nữa, nghỉ ngơi và an hưởng "tuổi già" thôi. Tôi thì mê cái nghề quá không nghỉ được, chừng nào còn khỏe thì tôi còn làm, dậy mở mắt ra là làm đến lúc trời tối”. 

Cả gia đình nghệ nhân trừ người con gái đã đi lấy chồng, còn lại con trai, con dâu và cháu đều theo nghiệp cha, con cháu thấy ông vẫn say nghề quá nên không nỡ bảo ông nghỉ. “Thật ra cái danh xưng nghệ nhân có hay không có cũng không quan trọng gì, với tôi giờ tôi làm cho vui, làm để giữ lửa cho con cháu noi theo, làm rồi chưng ra đó, không quan trọng bán được hay không”, vừa nói, người nghệ nhân vừa miệt mài làm tiếp sản phẩm giỏ hoa đang dang dở.

Nghệ nhân Vũ Văn Đức say sưa bên tác phẩm mới của mình

Nghề chạm khắc gỗ yêu cầu cao về sự tỉ mỉ, tinh tế, bền bỉ và nhẫn nại. Phải vậy, người nghệ nhân mới có thể tạo ra được những kiệt tác chạm đến độ tinh xảo của nghề mộc. Dù không còn dẻo dai, không đủ khỏe để có thể lật được khúc gỗ lớn, nhưng đôi tay người nghệ nhân già họ Vũ vẫn hết sức khéo léo, đôi mắt tinh tường, dáng vẻ chậm rãi nhưng hết sức tỉ mỉ và cầu kỳ. 

Với ông, giá trị kinh tế không thể nào đo đếm được tinh hoa một sản phẩm của làng nghề, người thưởng gỗ và chơi gỗ thực thụ phải thấu hiểu được tâm huyết và giá trị của người nghệ nhân làm ra nó. Cũng vì lý do đó mà nghệ nhân Vũ Văn Đức hết sức chú ý đến khách mua đồ: “Với khách hay mặc cả, đo đếm từng cân gỗ, tôi nhất quyết không bán. Khi làm ra một sản phẩm, nghệ nhân Đông Giao nói chung hay bản thân tôi nói riêng đều đặt hết tâm tư, nhiệt huyết của mình nên tôi luôn mong muốn sản phẩm của làng nghề đến được tay của người biết trân trọng”.

“Mong muốn sản phẩm của làng nghề đến được tay của người biết trân trọng”  - Nghệ nhân Vũ Văn Đức chia sẻ

Trong sự nghiệp làm nghề của mình, điều khiến người nghệ nhân già tự hào nhất không phải là danh xưng “nghệ nhân” không mấy ai có được mà chính là con số hơn 100 người học trò đã từng được ông đào tạo và truyền nghề. 

Ở độ tuổi của ông, có thể không còn đủ tinh anh và nhanh nhẹn, không sành sỏi máy móc, khoa học mới, “cầm cái máy không cẩn thận có thể cắt mất luôn chân tay” (nghệ nhân Vũ Văn Đức) nhưng nhiệt huyết say nghề của ông luôn là tấm gương sáng, là ngọn đuốc khơi dậy tinh thần người nghệ nhân Đông Giao của thế hệ trẻ làng nghề. 

Sức sống của làng nghề đang dần “trẻ hóa”

Làng Đông Giao hiện có khoảng gần 1.000 hộ gia đình, hầu như nhà nào cũng theo nghề chạm khắc gỗ, hiếm có nhà nào còn làm nông hay làm nghề phụ. Đi dọc con đường dẫn vào làng là san sát các hộ kinh doanh đồ gỗ, các xưởng làm đồ gỗ mọc lên như nấm, tiếng xẻ gỗ, máy cưa nối nhau không ngớt. Điều đặc biệt mà bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy khi đến Đông Giao là hầu như những người làm nghề đều rất trẻ, “sức trẻ” và sự cải tiến về công nghệ đã khoác lên cho Đông Giao một diện mạo mới. 

Người thởợtrẻ Đông Giao bên tác phẩm của mình

Nếu như trước đây, thế hệ cha ông của làng nghề chủ yếu chỉ làm các sản phẩm như tủ chè, đồ thờ cúng phục vụ trong các gia đình Việt Nam thì giờ đây, cái tên “làng chạm khắc gỗ Đông Giao” được biết đến không chỉ thị trường trong nước mà cả thị trường nước ngoài. Các sản phẩm của làng nghề rất đa dạng từ đồ thủ công mỹ nghệ, tượng thờ cúng, đồ trang trí, tranh hoa, lá, chim, muông… hướng đến thị trường và đối tượng khách hàng rộng lớn hơn.

Sự tinh tế thể hiện trong mỗi sản phẩm gỗ Đông Giao

Ở làng nghề chạm khắc gỗ Đông Giao, gia đình nào cũng có thể nhận đào tạo nghề. Nghề làng chủ yếu là cha truyền con nối, người đời trước truyền cho người đời sau, không có lớp đào tạo nghề từ địa phương mà chủ yếu là truyền dạy trong gia đình. Nghệ nhân làng Đông Giao hầu như ai cũng làm được đa dạng các mẫu mã sản phẩm, nhưng lạ thay mỗi gia đình chỉ làm chuyên một dạng sản phẩm đồ gỗ, có nhà chuyên về đồ thờ, người chuyên làm tranh, người chuyên chạm tượng…

Sản phẩm tượng Phật của làng nghề

Sản phẩm làng nghề Đông Giao cũng không tuân theo những khuôn mẫu có sẵn, mỗi dáng gỗ, thế gỗ khác nhau sẽ cho ra một sản phẩm khác. “Người làm nghề lâu năm chỉ cần nhìn thế gỗ sẽ tưởng tượng ra được hình dáng sản phẩm muốn làm” (nghệ nhân Vũ Văn Đức), vì vậy, sản phẩm của làng nghề không bao giờ trùng lặp, mỗi gia đình đều có bí quyết làm nghề riêng, hầu như nhà nào cũng có thợ theo học nghề.

Tuy không phải là người trong làng nhưng khi lấy chồng về Đông Giao, chị Quyên đã cùng chồng gây dựng nên cơ nghiệp xưởng gỗ của gia đình mình, rồi cũng từ đó say sưa với cái nghiệp của làng. Mới gần 30 tuổi nhưng đã có 10 năm kinh nghiệm làm nghề, chị Quyên trở thành thợ phụ đắc lực phụ trách những công đoạn khó sau khi được tạo hình sản phẩm. Chị chia sẻ: “Ở làng này người ta cho con học nghề sớm lắm, có cháu mới lớp 6, lớp 7 đã bắt đầu học nghề, sáng đi học văn hóa còn chiều ở nhà học nghề, hầu như hết cấp 3, có cháu học nhanh thì hết cấp 2 đã có thể làm nghề. Thanh niên trong làng nhiều người đi học cao xong rồi cũng trở về phục vụ cho làng nghề, hầu như không mấy nhà bỏ nghề cả”.

Chị Quyên đang hoàn thiện tác phẩm của mình

Cách gia đình chị Quyên không xa là xưởng gỗ của gia đình chị Lê Thị Như, 43 tuổi. Xưởng làm tại nhà không có nhiều nhân công, chủ yếu là 2 vợ chồng chị tự làm. Hiện tại, gia đình chị nhận đào tạo một thợ chạm khắc gỗ 16 tuổi, con trai chị Như mới 14 tuổi cũng đã được bố mẹ truyền nghề và bắt đầu theo học. Theo chị Như, việc làm tại nhà nên không gò bó thời gian, cũng không phải ra ngoài xã hội bon chen nhiều, mức thu nhập kinh tế ổn định nên người trong làng mong muốn cho con cái nối nghiệp sớm, vừa không để mất nghiệp làng, vừa ổn định cuộc sống.

Con trai chị Lê Thị Như mới 14 tuổi đã sành sỏi cầm đục và thành thạo những công đoạn làm nghề đơn giản

Trung bình, mức thu nhập của người thợ làng gỗ Đông Giao tùy vào công đoạn phụ trách, “với những người thợ làm thuê công đoạn đơn giản có thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng, người thợ lành nghề thu nhập khoảng 10-12 triệu, còn với hộ gia đình có thể thu nhập từ 40-50 triệu đồng/tháng”, chị Như cho hay. Làng nghề không những là cái nôi truyền thống muôn đời từ cha ông đời trước mà còn mang lại cuộc sống đủ đầy cho thế hệ trẻ làng Đông Giao.

Đi dọc làng Đông Giao ngày nay có thể thấy những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, người nghệ nhân gạo cội Vũ Văn Đức chia sẻ với chúng tôi bằng giọng hào hứng, hồ hởi: “Giới trẻ bây giờ giỏi lắm, tiếp thu khoa học công nghệ nhanh, lại được học cao, hiểu rộng, có người mới hơn 20 tuổi đã xây dựng được nhà cửa, mở xưởng gỗ cơ ngơi, cuộc sống ổn định. Hầu như toàn người trẻ làm hết, tuổi già chỉ nghỉ ngơi hưởng lộc con cháu”.

Người làng Đông Giao đang “thổi hồn” cho làng nghề một sức sống vươn lên mạnh mẽ, tiềm năng phát triển rộng mở. Cùng với nhiệt huyết làng nghề được truyền dạy từ chính những người ông, người cha từ thuở còn cắp sách đến trường, thế hệ trẻ của làng nghề chạm khắc gỗ Đông Giao đang từng ngày tạo được vị thế vững chãi của làng nghề mình trên bản đồ làng nghề Việt Nam và khu vực.

Mỹ Linh

Tỉnh thành Hải Dương

Hải Dương
Hải Dương là một tỉnh nằm ở đồng bằng sông Hồng, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Điểm đến Hải Dương Xem thêm

Di tích lịch sử Côn Sơn
Nhắc đến vùng đất Hải Dương, chắc hẳn du khách gần xa không thể nào quên di tích lịch sử nổi tiếng Côn Sơn.
Đền thờ Chu Văn An điểm đến du lịch văn hóa lịch sử
Đền thờ Chu Văn An từ lâu đã trở thành địa chỉ du lịch văn hoá của du khách gần xa.
Đảo Cò Chi Lăng Nam
Đảo Cò Chi Lăng Nam từ lâu đã trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của tỉnh Hải Dương.
Ngày xuân hành hương về chùa Côn Sơn
Côn Sơn nổi tiếng với tên tuổi danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Tại đây có chùa Côn Sơn là một điểm đến thu hút rất đông...
Đền Kiếp Bạc
Đền Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, là nơi thờ phụng Hưng Đạo Đại Vương Trần...
“Hoa mặt trời” khoe sắc giữa Thành Đông
Tiết trời hanh hao, se lạnh và cái nắng cuối thu trải vàng khiến lòng người trào dâng bao xúc cảm, muốn tìm kiếm cho mình một...
Thành phố Hải Dương - diện mạo xứng tầm đô thị loại 1
Hơn 2 thế kỷ hình thành và phát triển, thành phố Hải Dương ngày nay đã là một đô thị năng động và hiện đại, xứng đáng với tầm vóc...
Thành phố Hải Dương trên chặng đường phát triển mới
Thành phố Hải Dương những ngày tháng 10 ngập tràn không khí náo nức của người dân vì Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công...
Thăm đền Cao An Phụ
Khu di tích đền Cao An Phụ (An Phụ Sơn từ) là nơi thờ An Sinh vương Trần Liễu - thân phụ của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo,...

Ẩm thực Hải Dương Xem thêm

Hoa hậu Liên lục địa Karen tha thướt trong tà áo dài trắng làm 'tắc đường' cả góc phố Sài Gòn
Hoa hậu Liên lục địa Karen khiến đông đảo người đi đường phải dừng lại ngắm nhìn và tấm tắc khen ngợi khi mặc áo dài trắng quá...
Bánh đậu xanh: Thơm ngọt tình người xứ Đông
Với những nguyên liệu đơn giản, mộc mạc nhưng mỗi chiếc bánh đậu xanh Hải Dương lại thấm đượm hương vị đồng nội, thể hiện sự tinh...
Về xứ Đông thưởng thức bánh đa cua
Hải Dương không chỉ thu hút du khách hành hương về với lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc hay lễ hội Văn Miếu Mao Điền… mà còn “gây thương...
Hải Dương: Làng vải Thanh Hà vào vụ sớm
Huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương hiện có trên 3.860 ha vải, trong đó khoảng 1/3 diện tích trồng vải sớm, tập trung chủ yếu ở các xã...
Bánh gấc Ninh Giang – thứ quà Tết bình dị
Cách trung tâm thành phố Hải Dương chừng 30 km, vùng đất Ninh Giang in đậm dấu ấn trong lòng mọi người bằng món quà quê bình dị,...
3 đặc sản khó quên ở quê hương tiền vệ Phạm Đức Huy
Bàn thắng của tiền vệ Phạm Đức Huy mới đây khiến người ta ngây ngất, và quê hương anh - Hải Dương cũng có những đặc sản "ngất...
Rươi Tứ Kỳ - sản vật độc đáo của Hải Dương
Mùa rươi đã đến, người dân huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương nô nức thu hoạch sản vật độc đáo này.
Bún cá rô đồng Hải Dương giòn rụm, thơm lừng
Bún cá rô đồng, món ngon dân dã, đậm hương vị quê hương của vùng đất Hải Dương.
Các loại bánh nổi tiếng đất Hải Dương
Nói tới Hải Dương, người ta không thể quên nhắc tới những món bánh ngon đặc biệt của vùng đất này.

Trải nghiệm Hải Dương Xem thêm

Về Hải Dương ghé thăm khu di tích tưởng niệm Đại danh y Tuệ Tĩnh
Đại danh y Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, người thôn Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng. Năm 22 tuổi (1351) ông thi đỗ Thái học...
Trải nghiệm miệt vườn sông nước Thanh Khê
Những ngày này, phong cảnh vùng trồng vải rộng hơn 90 ha ở xã Thanh Khê (Thanh Hà) đẹp như bức tranh đa sắc màu. Con sông Đồng...