Then là loại hình nghệ thuật dân gian, hoạt động văn hóa tín ngưỡng lâu đời của đồng bào Tày, Nùng, Thái. Không chỉ được coi là cầu nối giữa con người với thế giới tâm linh và đất trời, Then mang trong mình tính nghệ thuật cao, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt Bắc.
Nghi lễ thực hành Then vừa được UNESCO ghi danh Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã cho thấy sức sống bền bỉ và sự lan tỏa mãnh liệt của loại hình văn hóa dân gian đặc sắc này.
Thầy then Lã Viết Mạnh mặc lễ phục, tay gảy tính tẩu, phất quạt, chân sử dụng chùm xóc nhạc điêu luyện và hát những điệu then cổ.
Mùng 1 tháng Chạp, tháng cuối cùng của năm Kỷ Hợi 2019, trước ban thờ tổ tiên, thầy then có tiếng ở xứ Lạng - Lã Viết Mạnh bắt đầu thực hiện những nghi lễ quen thuộc. Mâm lễ bao gồm: con gà, xôi bảy màu, rượu gạo, hoa quả, vàng mã đã sẵn sàng. Thắp nén hương vái gia tiên và thần thổ công, thầy Then Mạnh mặc lễ phục, tay gảy tính tẩu, phất quạt, chân sử dụng chùm sóc nhạc điêu luyện và hát những điệu then cổ.
"Tôi hát Then cổ như thế này tiếp cầu nối số cho các cao niên để sống bách niên trường thọ. Tôi học then cổ do các cụ truyền lại. Then cổ không thể thiếu được trong đời sống người Tày, Nùng Lạng Sơn. Nó ăn sâu vào máu của người Lạng Sơn. Cái câu then, lời then nó đậm đà bản sắc dân tộc. Khuyên con người phải sống có đức, tâm hòa thuận, lương thiện" - thầy Lã Viết Mạnh cho biết.
Gần như ở địa phương nào của tỉnh Lạng Sơn cũng có câu lạc bộ hát then, đàn tính.
Buổi sinh hoạt của những thành viên của CLB hát then huyện Văn Quan tỉnh Lạng Sơn.
Then gắn chặt với nghi lễ, tập tục theo vòng đời của người Tày, Nùng với các nghi lễ như: lễ kỳ yên giải hạn, lễ nối số, lễ cấp sắc… Ngoài yếu tố tâm linh, hát then có rất nhiều cung đoạn gắn bó với đời thực lại mang tiết tấu khi tươi vui, dồn dập, lúc trầm lắng, thủ thỉ nên phần lớn người Tày, Nùng đều yêu thích.
Ở Lạng Sơn, xã nào, bản nào cũng có CLB then như thế này. Họ sinh hoạt thường xuyên và truyền dạy cho nhau, nhờ đó sức sống của Then thật bền bỉ. Người Tày, Nùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn. Cho dù lập nghiệp ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay vùng đất Tây Nguyên đại ngàn cũng mang theo phong tục tập quán quê mình. Những câu lạc bộ hát then ra đời như sợi dây kết nối những tâm hồn Tày, Nùng xa quê.
Then thu hút được sự quan tâm của thế hệ trẻ ở mọi lứa tuổi.
Nghệ nhân Mã Trung Trực (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) tin tưởng sẽ có thêm nhiều bạn trẻ biết và đam mê những làn điệu then quê hương.
Em Nguyễn Hoàng Tường An (11 tuổi) thành viên nhỏ tuổi nhất trong CLB hát then Cẩu Pung huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn nói: “Em tham gia sinh hoạt ở CLB đã được 4 năm, chúng em tham gia lớp hát then đàn tính được các bà các cô truyền dạy lại những cái hay cái đẹp của hát then đàn tính. Đến nay em đã học được khá nhiều bài cơ bản”.
Khắp núi rừng Việt Bắc, ở đâu có người Tày, Nùng, ở đó có Then. Không dừng lại ở đó, những lớp nghệ nhân, nghệ sĩ đang từng ngày nỗ lực đưa nghệ thuật dân gian Then tiến gần hơn với công chúng. Nghệ nhân Mã Trung Trực ở vùng hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn tự tay chế tác đàn, thành lập câu lạc bộ truyền dạy hát then phục vụ du khách. Vợ chồng anh cũng thường xuyên đi biểu diễn nhiều nơi trong nước.
“Cá nhân tôi là người lưu giữ văn hóa hát then đàn tính. Tôi thấy vui vì thế hệ trẻ ngày nay rất quan tâm đến thể loại này. Và đó cũng là động lực để tôi thấy mình có trách nhiệm cần truyền dạy nhiều hơn những gì mình biết cho thế hệ hôm nay” - Nghệ nhân Mã Trung Trực bày tỏ.
Biểu diễn Then tại Bích Câu Đạo quán số 14 Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội.
Then được biểu diễn tại không gian văn hóa của các hội nghị quốc tế.
Ngoài hình thức tâm linh, tín ngưỡng, các bài then chứa đựng nhiều câu chuyện kể dân gian có tính giáo dục, đậm sắc văn hoá của người Tày, Nùng. Then được mang từ không gian ‘thiêng’ đến không gian sân khấu, then đặt lời phổ thông. Đây là một hướng đi hợp lý đưa di sản văn hóa phi vật thể vận động theo thời gian phù hợp với đời sống mới. Đưa then xuống phố là tâm nguyện của rất nhiều người làm văn hóa, và nguyện vọng ấy đã đạt được những thành công nhất định.
Thưởng thức chương trình “Câu Then Việt Bắc” biểu diễn tại Đình Kim Ngân ở phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội, anh Alex du khách người Anh hào hứng chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi đến đây và có lẽ buổi tối hôm nay là một trải nghiệm khó quên đối với tôi. Tôi ấn tượng với hình ảnh một cô gái đánh cây đàn giống như đàn guitar, sau đó tất cả mọi người cùng hòa âm. Khán giả đều im lặng lắng nghe. Cảm giác thật tuyệt trong không gian văn hóa cổ truyền của Việt Nam như thế này”.
Không chỉ được đưa về thủ đô biểu diễn, then còn được đưa sang trình diễn tại thủ đô Paris nước Pháp trong chương trình “Lễ hội âm nhạc thế giới”. Một đời gắn bó với Then, cũng là một trong những người có đóng góp lớn vào việc đưa Then đến với bạn bè trong nước và thế giới.
NSND Triệu Thủy Tiên, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn xúc động nói: “Đưa Then xuống phố là dịp để quảng bá những giá trị nghệ thuật diễn xướng Then. Sự đón nhận của khán giả thủ đô, sự đón nhận của những du khách nước ngoài chúng tôi nhận thấy rằng họ rất thích loại hình nghệ thuật này. Có thể nói giá trị nhân văn của nghệ thuật diễn xướng Then đã thực sự được lan tỏa”.
NSND Triệu Thủy Tiên (áo đen) và các nghệ nhân Tày, Nùng trong chuyến biểu diễn giới thiệu Then tại thủ đô Paris (Pháp).
Nghi lễ Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vừa chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vinh dự và tự hào đối với cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái, đặc biệt là với những nghệ nhân dân gian bởi họ chính là người góp công lớn nhất trong việc gìn giữ, lưu truyền và phát huy loại hình văn hóa dân gian đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
Lặng thầm và say mê, các nghệ nhân, diễn viên đang đưa nghệ thuật dân gian hát Then tiến gần hơn với công chúng đương đại, góp phần làm cho câu Then Việt Bắc lan tỏa, thăng hoa./.
Theo vov.vn