Văn hóa

Lễ bỏ mả của người Gia Rai: Tôn vinh giá trị gia đình và cộng đồng

13:44 - 20/04/2021
Lễ bỏ mả (pơ thi) là nghi lễ quan trọng của đồng bào Gia Rai để giải phóng cho người sống khỏi mọi ràng buộc với người chết. Sau nghi lễ này, người chết sẽ thực sự về với xứ sở của các thần.

Từ tờ mờ sáng, già làng Ak (75 tuổi) và các thanh niên trai tráng người Gia Rai (tỉnh Gia Lai) đã đi lấy nước mát để chuẩn bị đổ vào vò rượu cần, nổi lửa làm thịt lợn, nướng gà, chuẩn bị đồ cúng cho lễ Pơ thi (bỏ mả), một lễ hội quan trọng trong cộng đồng người Gia Rai.

Lễ bỏ mả (Pơ thi) là lễ hội lớn của người Gia Rai. Sau nghi lễ, cả buôn làng sẽ cùng nhảy múa thâu đêm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) 

Nghi lễ linh thiêng của người Gia Rai

Người Gia Rai quan niệm, một người trong làng khi qua đời sẽ được chôn trong ngôi mộ tạm. Hằng ngày, người thân trong gia đình đến cho người chết "ăn uống" qua chiếc ống cắm sâu xuống mộ.

Họ tin rằng, khi chưa làm lễ bỏ mả cho người thân, thì dù đã chết, người thân vẫn còn lai vãng đâu đây, cũng cần ăn uống và về nhà giúp đỡ gia đình. Họ chỉ thực sự sang thế giới bên kia khi được làm lễ bỏ mả.

Để chuẩn bị chia tay người chết trong lễ bỏ mả, người dân thường vào rừng lấy gỗ, tre, mây, song, cỏ tranh mang về dựng các phần của nhà mồ. Sau đó, người sống sẽ mang tài sản được phân chia tại nhà ra nhà mồ chôn cùng, bao gồm những đồ vật quý như chiêng, choé, vòng cườm, lục lạc đến các vũ khí, công cụ sản xuất như kiếm, cuốc… và các vật dụng trong đời sống sinh hoạt thường ngày như nồi, tô, chén bát. Số của cải này tùy thuộc vào sự giàu nghèo của mỗi gia đình mà người chết được chia khác nhau.

Ngoài những đồ vật dùng hàng ngày mà người sống mang đến mồ, có một thứ đặc biệt người sống làm cho người chết những bức tượng gỗ cắm xung quanh nhà mồ. Người chết già thì tạc hình người ngồi chống cằm ngụ ý già yếu, hay ngồi hút thuốc hàm ý suy tư, còn trẻ em thì tạc hai đứa bé ôm nhau đùa giỡn. Tại một số vùng, người Gia Rai tạc tượng nam nữ giao hoan, mang ý nghĩa phồn thực, khát vọng về sự sinh sôi nảy nở. Điều đó như một sự tất yếu của tạo hóa, có sự sống và có cái chết.

Làm nhà mồ là công việc của đàn ông. Phụ nữ chỉ tham gia phục vụ cơm nước cho những người làm nhà mồ. Công việc làm nhà mồ được tiến hành ngay tại khu nghĩa địa. Thường thì người Gia Rai chuẩn bị cả tuần, đôi khi kéo dài cả tháng mới xong nhà mồ. Người dân trong bản sẽ cùng giúp đỡ gia chủ dựng nhà mồ.

Sau 1-3 năm thì gia chủ làm lễ bỏ mả. Nhà nào nghèo thì thường chỉ “nuôi ma” 1 năm là tiến hành lễ bỏ mả, nhà giàu hơn thì có thể kéo dài đến 3 năm. Bởi đây là nghi lễ lớn và tốn kém nên các gia đình cần có sự chuẩn bị kỹ càng.

Trai làng bôi bùn đất, hóa trang thành ma và cùng nhảy múa, đây là phần không thể thiếu trong lễ Pơ thi. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) 

Anh A Tươi, 20 tuổi, cho biết nhà nào cũng phải chuẩn bị mổ lợn, trâu, gà… để cúng. Nhà giàu thì cúng nguyên con lợn, còn nghèo cũng phải sắm được ít thịt lợn, phần thủ và đuôi lợn để đặt lên mâm cúng.

“Các nhà làm được gì thì cúng cái đó, cúng ma xong thì khao cả bản cùng uống rượu cần, ăn thịt lợn,” anh nói.

Già làng Ak không biết nhiều tiếng Kinh nhưng là người được cả buôn làng kính trọng. Chỉ những người như vậy mới được đứng ra làm chủ lễ bỏ mả.

“Theo luật từ thời ông bà thì lễ bỏ mả là rất quan trọng. Nhà có người chết là việc buồn. Người Gia Rai trọng tình cảm. Người Gia Rai làm gì cũng muốn đi hai người. Khi đi làm rẫy, vợ mang gùi, chồng mang cuốc, cùng đi làm, cùng về nhà, cùng lo cho con cái có thức ăn. Bởi vậy, chồng chết, vợ cũng muốn chết theo,” già Ak nói.

Ông cho hay trong thời gian từ 1-3 năm để tang, người nhà không được mặc áo mới, dùng đồ tốt, không được đi chơi. Đó là luật lệ nghiêm ngặt mà cộng đồng người Gia Rai rất coi trọng. Chỉ khi làm lễ bỏ mả xong thì mới xem như mãn tang.

Nét văn hóa cộng đồng đặc sắc

Trải qua nhiều biến thiên trong lịch sử nhưng đồng bào Gia Rai vẫn giữ được sắc thái văn hóa riêng của mình, làm nên sự đa dạng trong một thể thống nhất của bản sắc văn hóa Việt Nam. Những nét đẹp văn hóa và giá trị cộng đồng lễ hội vẫn được bà con buôn làng coi trọng.

Sau khi đã làm thịt một con lợn, già làng Ak - chủ lễ lấy gan, lưỡi, tim, da bụng và cổ họng của con vật xâu thành một xâu, lấy rượu ở ghè ra cho vào ống tre. Ông đổ rượu cho thấm xuống đất ở nấm mộ và đọc lời cúng: “Này đây, tôi đem cho ma thịt heo, thịt gà, rượu và cơm để báo cho ma biết. Hôm nay chúng tôi làm nhà mồ cho ma lần cuối cùng.”

Già Ak hô to: “Lễ bỏ mả đến ngay sau lưng rồi, từ nay người sống ăn cơm trắng còn ma thì ăn cơm đỏ, ăn hoa tím, hoa đỏ của các thần. Xin ma đừng gọi, đừng lại gần, đừng thương yêu con cháu của ma nữa. Từ nay chúng tôi sẽ không còn mang cơm, sẽ không còn mang nước cho ma nữa. Nếu muốn ăn cá, ăn thịt, xin ma hãy hỏi các thần trên Trời.”

Sau khi cúng xong người thân của gia đình vào nhà mồ khóc than lần cuối cùng với người chết.

Lễ bỏ mả thường diễn ra trong 3 ngày. Đêm nào người nhà cũng ra nhà mồ để thức canh. Đến đêm cuối cùng, lễ bỏ mả trở thành một cuộc trình diễn lớn quanh nhà mồ.

Sau khi già làng làm lễ cúng xong, tiếng cồng chiêng, tiếng trống nổi lên tiễn đưa người chết đi về thế giới bên kia.

Đoàn đưa tiễn gồm những người đánh khiên và đánh trống, người đánh cồng chiêng, người đeo mặt nạ, người trình diễn những con rối, phụ nữ thì múa vòng quanh nhà mồ theo tiếng nhạc. Trang phục của những người tham gia đều rất trang nghiêm và sặc sỡ.

Lúc này, mọi người tổ chức ăn cỗ linh đình, tấu cồng chiêng, cùng nắm tay nhau múa vũ điệu truyền thống. Bởi đây là ngày lễ lớn nên các chàng trai, cô gái cũng có cơ hội tìm kiếm bạn đời của mình.

Như vậy, có thể nói lễ bỏ mả là một lễ hội không chỉ mang tính nghệ thuật cao mà còn đầy chất nhân văn, đề cao tình cảm gia đình, tình nghĩa cộng đồng, hội tụ các giá trị tâm linh trong đời sống.

Ông Trịnh Ngọc Chung, quyền trưởng ban quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các Dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) 

Trong khuôn khổ các hoạt động sự kiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), Ban quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh Gia Lai để tái hiện nghi lễ này.

“Thông qua hoạt động này, chúng tôi muốn lan tỏa giá trị văn hóa cộng đồng đặc sắc của các dân tộc anh em, để người dân và du khách hiểu được sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam. Điểm đặc sắc là các chủ thể văn hóa sẽ tự giới thiệu bản sắc của dân tộc mình. Để có thực hiện các hoạt động này, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ quý báu của lãnh đạo các địa phương và sự tham gia nhiệt tình của đồng bào các dân tộc,” ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết.

Một số hình ảnh trong lễ bỏ mả của người Gia Rai:

Già làng Ak chuẩn bị tượng mới cho nghi lễ Pơ thi. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) 

Già làng Ak chuẩn bị lễ vật cho nghi thức cúng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) 

Những bức tượng mang hình hài con người đang đau buồn, than khóc. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) 

Già làng khấn thần linh, khấn người chết, trước khi vào nghi lễ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) 

Trai làng bôi bùn đất, đeo mặt nạ hoá trang thành Bram (hồn ma) nhảy múa trong lễ Pơ thi. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) 

Các thanh niên trong bản đánh cồng chiêng trong lễ hội Pơ thi. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) 

Thiếu nữ Gia Rai uyển chuyển trong nhịp xoang truyền thống. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) 

Sau khi cúng xong, ông chia lễ vật cho mọi người trong bản.(Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) 

Già làng mời khách nếm rượu cần và tham dự lễ hội. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) 

Các chàng trai đóng giả Bram (hồn ma) để đón linh hồn người đã khuất về với tổ tiên (Atâu), với Yàng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) 

Theo VietnamPlus

Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV