Văn hóa

Lễ trao giải Oscars 2021 có thể bị hủy vì Covid-19

09:42 - 15/10/2020
Số lượng phim tranh giải tiềm năng trong năm nay chắc chắc sẽ sụt giảm đáng kể so với các năm trước, cộng thêm với một số lý do nữa khiến cho lễ trao giải Oscar thứ 93 khó có thể diễn ra theo kế hoạch.

Lễ trao giải Oscar 2021 khó có thể diễn ra.

“No Time to Die”, phần phim thứ 25 về điệp viên James Bond, lùi lịch chiếu tới tháng 4/2021. Nhiều bom tấn khác cũng không thể ra rạp trong năm nay khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát. Đánh giá những gì đã xảy ra với các bộ phim trong thời kỳ đại dịch, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ nên xem xét phương án hoãn tổ chức lễ trao giải Oscar. Trừ khi phép màu xảy ra và tất cả mọi người được tiêm vaccine phòng chống Covid-19 ngay bây giờ, nếu không, ta cần phải đối mặt với sự thật rằng Oscar lần thứ 93 không thể nào diễn ra được.

Theo kế hoạch, lễ trao giải Oscar diễn ra thường niên vào cuối tháng 2, cụ thể với năm 2021 là vào ngày 28/2. Tuy nhiên, BTC đã quyết định dời sang ngày 25/4/2021 do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho tất cả các rạp chiếu phim đều đã bị đóng cửa, cản trở quá trình làm phim của nhiều nhà sản xuất, khiến cho việc mở lại rạp, cũng phải mất rất nhiều thời gian mới có thể ra mắt phim mới. Khả năng cao, đại dịch sẽ còn kéo dài và chẳng ai có thể nhìn trước được tương lai. Việc hứa hẹn sẽ sớm mở cửa trở lại những rạp chiếu phim, cũng như giữ lịch đêm trao giải Oscar như thường niên, khiến chúng ta tin tưởng vào một ngày không xa, mọi thứ sẽ bình thường trở lại.

Tuy nhiên, loại virus này còn khó bị đánh bại hơn cả những nhân vật phản diện trong phim. Điều này không chỉ đem đến sự xáo trộn trong việc lên lịch các lễ trao giải hay các hoạt động làm phim, mà còn để lại một mối đe dọa khôn lường cho ngành công nghiệp giải trí này.

“Tenet,” là bộ phim về du hành thời gian được nhiều khán giả yêu thích của Christopher Nolan và cũng là bom tấn duy nhất được đưa lên rạp chiếu trong mùa hè 2020. Đạo diễn của bộ phim mong mỏi rằng phát súng liều lĩnh này của mình có thể lôi kéo được nhiều nhà làm phim quay trở lại với những dự án của mình. Nhà phê bình Richard Rushfield sợ hãi nói rằng: “Trong thời buổi đại dịch như thế này, ai có thể thậm chí suy nghĩ đến việc sẵn sàng chi ra nửa tỉ USD chỉ riêng cho việc xét nghiệm Covid-19 cho đoàn phim của mình?”.

Ở một tình huống khác, công ty Walt Disney quyết định từ bỏ việc phát hành "Mulan" tại các rạp phim Bắc Mỹ và sẽ phát hành trên nền tảng trực truyến Disney+ với mức giá thuê 29,99 USD (tương đương gần 700.000 VND) từ 4/9. Walt Disney muốn chứng minh rằng không cần đến rạp chiếu, công nghiệp giải trí vẫn có thể tồn tại. Nhưng Disney đã không thành công. Hiện tại, hãng này đã phải công chiếu miễn phí nhiều bộ phim, trong đó có “Soul” của Pixar.

Thêm vào đó, chỉ tính trong tuần vừa qua, bộ phim “No Time to Die”, bom tấn được mong chờ nhất vào năm nay, cũng phải lùi lịch vào năm 2021. Cineworld Group, chủ của chuỗi rạp chiếu lớn thứ hai nước Mỹ, tuyên bố đóng cửa tất cả 536 rạp chiếu phim của tập đoàn Regal trên cả nước. Với “Dune” – bộ phim chuyển thể mới nhất từ cuốn sử thi khoa học viễn tưởng của Frank Herbert, hãng làm phim Warner Bros đã phải từ bỏ lịch công chiếu bộ phim vào Giáng Sinh năm nay.

"No Time To Die" cùng nhiều bom tấn dự định ra rạp trong năm nay đã phải lùi sang năm sau.

Giống như các lĩnh vực khác, studio và rạp chiếu ở Mỹ vẫn chưa sẵn sàng, cũng như chưa thể, hình dung được những bước tiếp theo trong tương lai xa. Tuy nhiên, với nhiều hoạt động vẫn được kích động trên các phương tiện khác nhau, nhiều kịch bản và bộ phim vẫn thật sự rất đáng để chờ đợi. 

Một số phim được đánh giá cao vẫn được công chiếu vào 2020 như “The Invisible Man” của Leigh Whannell hay “Da 5 Bloods” của Spike Lee. Ngoài ra, Netflix vẫn lên kế hoạch ra mắt một vài tác phẩm như “Mank” của David Fincher, phim chính kịch lịch sử “The Trial of the Chicago Seven” của Aaron Sorkin và phần chuyển thể cuối cùng từ cuốn “Ma Rainey’s Black Bottom” của August Wilson, do Chadwick Boseman đạo diễn. Những đối thủ tương tự cũng hăng hái tham gia vào cuộc chiến này, phải cảm ơn đến ban tổ chức của Oscar đã kéo dài thời gian đến hết tháng 2, tạo điều kiện cho các bộ phim được tranh giải, dù chúng chỉ có thể được ra mắt ở trên mạng.

Tuy nhiên, số lượng phim tranh giải tiềm năng trong năm nay chắc chắc sẽ sụt giảm đáng kể so với các năm trước, cộng thêm với một số lý do nữa khiến cho lễ trao giải Oscar thứ 93 khó có thể diễn ra theo lịch.

Những luật lệ liên tiếp được đặt ra, giới hạn thời gian và bối cảnh mở cửa trở lại các rạp chiếu. Nhiều hãng làm phim cũng đã nghĩ đến phương án chuyển đổi sang hình thức trình chiếu online, nhưng chưa một ai thấy được sự hiệu quả toàn vẹn của nó. Netflix thu về hàng triệu lượt đăng ký từ nước Mỹ trong năm nay, nhưng không thể nào tiếp cận đến toàn bộ các hộ dân. Chưa kể đến những trang chiếu phim khác như Hulu hay AppleTV+ còn bị giới hạn hơn rất nhiều. Nếu Oscars sử dụng hình thức này, những người có quyền chấm giải sẽ được gửi DVD hoặc đường truy cập để xem trực tiếp, còn các khán giả khác thì không, và đó quả thực là một sự bất lợi.

Là một chương trình trao giải, đêm Oscar không chỉ dành riêng cho các bộ phim được đề cử, mà nó còn là một nơi để người xem chiêm ngưỡng những gương mặt đình đám đã hoặc đang đóng góp cho công nghiệp giải trí của thế giới, cũng như là cơ hội phát triển mạng lưới của nhiều doanh nghiệp truyền thông và báo chí. Vì vậy, việc tổ chức online dường như sẽ làm mất đi toàn bộ tính chất và ý nghĩa của cuộc trao giải.

Trông đợi vào sự kiểm soát đại dịch một cách tạm thời cho một sự kiện tập trung đông người là vô cùng liều lĩnh. Tại sao Hollywood lại được đặc cách xét nghiệm để tổ chức chương trình không thể dành cho toàn bộ công chúng, trong thời điểm căng thẳng và khan hiếm xét nghiệm như thế này? Chẳng phải sẽ thực sự bất công nếu những ngôi sao điện ảnh ấy có thể “mua” lại cuộc sống bình thường cho họ, còn khán giả, những người tận hưởng và làm nên thành công của những bộ phim, vẫn phải sống chung với dịch bệnh hay sao?

Covid-19 là một mối đe dọa, có lẽ là “đáng sợ” nhất đối với ngành điện ảnh Hollywood từ trước tới giờ. Tuy nhiên, nếu các nhà làm phim giữ vững được tinh thần của mình, coi đây như một kinh nghiệm làm phim trong khủng hoảng, điều mà các thế hệ khác sẽ chẳng bao giờ được trải qua, thì chắc chắn, những tác phẩm của họ vẫn sẽ mãi giữ được phong độ của mình mà thôi. Giải pháp tốt nhất để lễ trao giải được diễn ra suôn sẻ chính là chờ đợi. Chờ tới một thời điểm thích hợp, khi dịch bệnh đã lắng xuống và mọi thứ đã quay trở lại như bình thường, thay vì mang đến một phép màu của hiện tại để rồi cay đắng bước vào tương lai./.

Theo VOV.VN