Văn hóa

Linh thiêng Lễ rước nước trong Lễ hội Đền Trần (Thái Bình)

13:07 - 18/02/2019
Đã thành thông lệ, hàng năm, cứ đến ngày 13 tháng Giêng, chính quyền và nhân dân huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình lại long trọng tổ chức Lễ hội Đền Trần chính tại nơi đặt tôn miếu và lăng mộ của các vị vua Trần.

Đây được coi là lễ hội quan trọng nhất của người dân địa phương nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của các vị vua nhà Trần trong lịch sử dựng nước và giữ nước. 

Một trong những nghi lễ đầu tiên của lễ hội chính là Lễ rước nước, tái hiện cuộc sống trước kia của tổ tiên nhà Trần trước khi lên làm vua gắn với nghề chài lưới trên sông nước. Ngày nay, nghi lễ này đã trở thành nghi thức gắn với tín ngưỡng cầu nước, cầu cho mùa màng tươi tốt cũng như báo công đến các vị vua của cư dân vùng châu thổ sông Hồng sau một năm sản xuất.

Đoàn rước nước thực hiện bằng cả đường thủy và đường bộ. Trước khi đoàn rước khởi hành, các bậc cao niên thắp hương kính cẩn mời anh linh các vị vua Trần chứng giám. Đoàn rước xuất phát từ sân Đền, dẫn đầu là đội múa lân, kiệu mang liệt vị liệt tổ nhà Trần: Trần Kinh, Trần Hấp, Trần Thừa, Trần Lý và Thái sư Trần Thủ Ðộ. Tiếp theo là đoàn rước thuộc các làng, xã trong và ngoài huyện. Đoàn rước đi đến đâu đều có đoàn bát âm, cờ trống theo đến đó. Người dân tham gia lễ hội cùng đi theo thành hàng dài với mong muốn được tận mắt chứng kiến lễ rước linh thiêng cũng như cầu cho một năm mưa thuận gió hòa.

Đoàn rước đi dọc đê sông Hồng đến nơi có thuyền rước đợi sẵn. Thuyền rước nước là thuyền lớn, đưa các vị chư tăng và tín đồ Phật tử ra tới giữa sông Hồng thì dừng lại. Theo các bậc cao niên xã Tiến Đức (huyện Hưng Hà), nơi lấy nước được gọi là Ngã ba Tuần Vường - nơi giao nhau của ba con sông lớn: Sông Luộc, sông Hồng và sông Thái Bình. Dòng nước trong mát, thanh tịnh nơi đây sẽ được dâng lên các vị vua Trần.

Đến ngã ba Tuần Vường, từng gàu nước được các cụ cao niên và các vị chư tăng trút vào chum nhỏ. Ông Đặng Vũ Trần Nhã, thủ nhang Đền Trần (Thái Bình) cho biết, trước khi làm lễ cấp thủy, đưa dòng nước vào trong chum, các bậc chư tăng làm lễ cúng Phật và các vị vua Trần cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà cho mọi người, mọi nhà. Các bậc chư tăng sẽ múc 9 gàu nước đổ vào chum với ý nghĩa trọn vẹn, đủ đầy và sinh sôi từ con số 9 mang lại. 

Khi chum đã đầy, một tấm vải điều được đặt lên miệng chum với mong muốn giữ đủ bấy nhiêu may mắn. Chum nước được cẩn trọng đặt lên bành, dùng dây lụa đỏ chằng buộc cẩn thận để tránh bị đổ trong khi khiêng kiệu. Hoàn thành nghi thức lấy nước, đoàn rước lại trở về Đền thờ các vị vua Trần. Về tới sân Đền, đoàn rước lần lượt đi vào hành lễ, đoàn kiệu do các thanh niên trai tráng rước qua cổng là bắt đầu quay đủ ba vòng rồi đi vòng vào Đền. Nước được đem về đền mới là lúc tổ chức cho làng, cho các đoàn tới tế lễ.

Ông Nguyễn Công Khanh, Trưởng phòng Văn hóa huyện Hưng Hà cho biết, nghi lễ rước nước được phục dựng từ năm 2010 và duy trì thực hiện cho đến nay. Đây là nét đẹp văn hoá truyền thống của người dân địa phương và nghi thức đầu tiên trong Lễ hội Đền Trần (Thái Bình). Sau nghi thức này sẽ là các hoạt động khai mạc, lễ tế cá và nhiều trò chơi dân gian khác diễn ra từ ngày 13 đến 18 tháng Giêng hằng năm.

Với nhiều nét độc đáo, năm 2014, Lễ hội Đền Trần (Thái Bình) được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia.

Tiểu Dương (Theo TTXVN)

Tỉnh thành Thái Bình

Thái Bình
Thái Bình có nhiều tiềm năng du lịch phong phú và điển hình của nền văn minh lúa nước vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Điểm đến Thái Bình Xem thêm

Biển Đồng Châu
Nếu bạn muốn trải nghiệm cuộc sống miền biển, Đồng Châu là lựa chọn tuyệt vời.
Chùa Keo Thái Bình – ngôi chùa cổ đẹp bậc nhất Việt Nam
Chùa Keo thuộc huyện Vũ Thư, Thái Bình, có tuổi đời gần 400 năm, vẫn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc cổ kính đặc trưng của các...
Quang Lang – Vùng biển không chân trời
Tôi ngỡ ngàng và vỡ òa cảm xúc trước vẻ đẹp khác biệt, độc đáo của biển Quang Lang (Thái Bình) khi được người bạn là giáo viên...

Ẩm thực Thái Bình Xem thêm

Lạ miệng đặc sản "giải ngấy" làm từ thịt nguyên tảng ở Thái Bình
Những tảng thịt ba chỉ tươi rói được sơ chế sạch sẽ, tẩm ướp các loại gia vị hấp dẫn, trải qua quá trình chế biến kỳ công trở...
Bánh cáy Thái Bình
Nói đến đặc sản ẩm thực của quê hương chị hai Năm Tấn - vùng đất Thái Bình hẳn ai cũng không thể quên món bánh cáy ngọt thơm vị...
Dẻo thơm đặc sản bánh cáy làng Nguyễn
Nói đến đặc sản Thái Bình, không thể không nhắc tới món bánh cáy với hương vị dẻo thơm, béo ngậy.
Những món ngon khó quên của quê lúa Thái Bình
Không chỉ giàu truyền thống lịch sử, Thái Bình còn nổi tiếng với nhiều đặc sản làm say lòng du khách.

Cẩm nang du lịch Thái Bình Xem thêm

Đi đâu chơi khi tới quê hương cầu thủ Đoàn Văn Hậu?
Thái Bình, quê hương của cầu thủ Đoàn Văn Hậu, không chỉ hấp dẫn du khách bởi những hoạt động văn hóa, ẩm thực phong phú, mà còn...
Chia sẻ kinh nghiệm du lịch 1 ngày ở Thái Bình
Thái Bình tuy là một cái tên không nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam nhưng nơi đây lại có rất nhiều địa điểm để khám phá. Hãy...