Giấc mơ vòng quanh trái đất của người nghệ sỹ tạo hình rối... Những nhân vật dân gian Tễu và Rồng... Khát vọng ấm no, hòa bình, hạnh phúc... Câu chuyện trong "Mơ rồng" đưa người xem đi khắp bốn bể, năm châu, trở về hội ngộ tại Thành phố vì hòa bình - Thủ đô Hà Nội.
Giới chuyên môn kỳ vọng, vở diễn với những sự kết hợp táo bạo sẽ kéo khán giả trong nước quay trở lại với sân khấu rối nước truyền thống dường như bị lãng quên bấy lâu nay.
Thử nghiệm táo bạo trên sân khấu múa rối nước truyền thống |
Khán phòng của Nhà hát Múa rối Thăng Long không còn một chỗ trống vào sáng 7/10, ngày công chiếu vở “Mơ rồng” trong khuôn khổ Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần IV.
Vở rối “Mơ rồng” của đạo diễn Lê Quý Dương đã phá vỡ không gian quen thuộc của nghệ thuật múa rối nước truyền thống, truyền tải luồng gió mới của nghệ thuật múa rối đương đại. Sân khấu chính của “Mơ rồng” không chỉ bó hẹp ở nhà thủy đình mà còn ở… trên cạn, ngay trong khán phòng, trên hàng ghế khán giả…
Chính vì dành nhiều đất diễn cho những chú rối trên cạn, nên “Mơ rồng” cũng là cuộc thử nghiệm đầy táo bạo giữa kỹ thuật biểu diễn của nghệ sỹ rối nước, những người vốn chỉ thầm lặng đứng sau tấm mành tre, nay lại trở thành những diễn viên chính, song hành với những chú rối, phô diễn kỹ thuật biểu diễn hình thể hiện đại.
Các nghệ sĩ hóa thân thành những chú rối
Sân khấu linh hoạt kết hợp cả trên cạn và dưới nước
Xuyên suốt vở diễn là hình tượng người đeo mặt nạ điều khiển những chú rối rất tài tình
NS Nguyễn Xuân Long đảm nhận vai Rồng gió chia sẻ: “Nếu nói về múa rối nước ngày xưa, tất cả các nghệ sĩ điều khiển rối đều đứng sau tấm mành, nhân vật chủ thể hoàn toàn là con rối. Qua vở diễn “Mơ rồng” này, khán giả có thể thấy rõ rằng nghệ sĩ và con rối là một. Đó là một hướng đi mới của không chỉ nghệ thuật rối mà còn của anh chị em nghệ sĩ chúng tôi.”
NS Nguyễn Xuân Long đảm nhận vai Rồng gió
“Mơ rồng” đồng thời cũng là cuộc thử nghiệm táo bạo khi kết hợp hiệu ứng âm thanh hiện đại của nhạc sỹ nổi tiếng người Úc, Darin Verhagen với nghệ thuật biểu diễn múa rối nước truyền thống của Việt Nam. Trong đó, âm nhạc và hiệu ứng âm thanh hiện đại làm nền tảng cho tiết tấu và tạo dựng không gian, khơi dậy nguồn cảm hứng cho diễn viên biểu diễn với nhiều loại hình rối kết hợp như rối nước, rối dây, rối lốt và rối que.
Bữa đại tiệc thịnh soạn dành cho khán giả |
Vở rối “Mơ rồng” với lối dàn dựng hiện đại và những thủ pháp mới lạ gây ấn tượng đặc biệt với Phó giáo sư, Tiến sĩ nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái đầy hào hứng khi xem "Mơ rồng"
“Mơ rồng" là một bữa tiệc thịnh soạn do một tay bếp chuyên nghiệp và tinh tế chế biến. Ở đây, ta có thể thấy sự tổng hợp tất cả các loại hình rối: từ rối nước, rối cạn, rối người, rối que, rối dây đến cả rối bóng. Sự thú vị ở đây là người ta chơi một cuộc chơi thử nghiệm với nhiều tuyệt kỹ hấp dẫn, khiến khán giả no nê về thị giác. Điều đó mang đến cho tôi niềm hy vọng là sân khấu rối nước truyền thống sẽ hồi sinh, sẽ không còn nghịch lý là rối nước chỉ hấp dẫn khán giả phương Tây mà còn góp phần kéo khán giả Việt Nam đến rạp” - PGS,TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết.
Chị Phan Hằng mang cả con đi xem "Mơ rồng"
Chị Phan Hằng, giảng viên trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội chia sẻ: “Nhân vật rồng không có gì mới, nhưng bằng các thủ pháp nghệ thuật mới lạ, vở rối “Mơ rồng” đã trở nên vô cùng hấp dẫn vì vừa kế thừa nghệ thuật rối nước truyền thống, vừa mang hơi thở đương đại.”
Bạn Dương Thượng Huy, một khán giả Bắc Ninh cho biết, vở rối "Mơ rồng" rất đặc biệt so với những vở múa rối nước từng xem.
“Các nghệ sĩ không chỉ điều khiển rối sau tấm màn che hoặc dưới nước nữa, mà còn cùng xuất hiện và hóa thân vào nhân vật rối. Bên cạnh đó, nội dung vở rối hấp dẫn vì đề cập đến những vấn đề nóng hổi hiện nay.”
Các nghệ sĩ rối của Nhà hát Múa rối Thăng Long đã có một vở diễn thăng hoa
Bà Nguyễn Thị Thông, nguyên diễn viên Nhà hát Múa rối Thăng Long bày tỏ sự ấn tượng về sự phát triển ngoạn mục của sân khấu rối nước truyền thống và sự khổ luyện của các nghệ sĩ trẻ.
“Thời tôi ngày xưa, sân khấu rối nước chỉ gói gọn ở không gian thủy đình, rối người thì rất hạn chế, chứ không đa dạng như thế này. Xem vở ‘Mơ rồng” mới thấy nghệ thuật rối nước đã phát triển vượt bậc và các nghệ sĩ của chúng ta đã phải khổ luyện như thế nào để có thể diễn cùng các nhân vật rối như thế. Có những phân cảnh gần như không phân biệt được ranh giới giữa người và rối.”
Khán giả thích thú chụp hình kỉ niệm với nghệ sĩ rối sau vở diễn
Giới chuyên môn kỳ vọng, "Mơ rồng" sẽ góp phần kéo đông đảo khán giả hơn đến rạp để thưởng thức loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam.
Mời quý vị xem thêm các hình ảnh về vở diễn "Mơ rồng" tại đây.
Anh Vũ/ Vietnam Journey