Ngày Trái Đất lần đầu tiên được đề xuất vào năm 1970. Tuy nhiên phải tới năm 2009, ngày này mới chính thức được Liên Hợp Quốc công nhận và được ấn định là ngày 22/4.
Ngày Trái Đất hiện được điều phối toàn cầu bởi Mạng lưới Ngày Trái Đất và được tổ chức hằng năm tại hơn 192 nước. Nhiều cộng đồng còn tổ chức Tuần Trái Đất với các hoạt động xoay quanh các vấn đề môi trường.
Ngày Trái Đất thường đi kèm với hàng loạt các hoạt động từ khắp nơi trên thế giới như trồng cây, nhặt rác bên đường, thực hiện các chương trình khác nhau để tái chế và bảo tồn.
Năm nay, Ngày Trái Đất có chủ đề xuyên suốt là Bảo vệ giống loài, nhằm nhắc nhở cộng đồng về hành động săn bắn động vật đang khiến nhiều sinh vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Cùng với đó là lời nhắc nhở các hoạt động phá rừng, hủy hoại môi trường của con người đang dẫn tới hiện tượng biến đổi khí hậu đáng báo động.
Theo tổ chức chịu trách nhiệm điều hành Ngày Trái Đất, năm 2019 đã có 40% trong số 11.000 loài chim trên thế giới bị suy giảm và 75% rạn san hô trên thế giới đang có nguy cơ biến mất hoàn toàn.
Tổ chức này kêu gọi tất cả chúng ta có phải có các hành động cần thiết để làm chậm lại tốc độ đáng quan ngại này. Trước hết là bằng những hành động đơn giản như ăn chay, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, hay săn bắt trái phép.
Để hướng ứng Ngày Trái Đất 2019, hôm nay Google cũng đổi Doodle với hình hoạt họa về các sinh vật có các nguy cơ tuyệt chủng khác nhau.
Chim hải âu lớn: Loài chim có sải cánh lớn nhất trong thế giới loài chim còn sống hiện nay. Sải cánh của loài chim hải âu lớn là từ 2,51 đến 3,5 m. Loài này sinh sống chủ yếu tại Nam Đại Dương.
Tùng gỗ đỏ ven biển: Loài cây cao nhất hành tinh. Tùng gỗ đỏ ven biển hiện được bảo vệ tại Công viên Redwood National and State Parks (dọc bờ biển Bắc bang California, Mỹ). Website Nationalparkreservations xếp Redwood National and State Parks (nơi có rừng tùng gỗ đỏ) là một trong những báu vật quốc gia của Mỹ. Tùng gỗ đỏ ven biển cao hơn 115m.
Nhái Paedophryne Amauensis: Giữ 2 lỷ lục: Loài nhái nhỏ nhất & là động vật có xương sống nhỏ nhất trên Trái Đất. Loài nhái siêu nhỏ (dài 7,7mm) này sinh sống ở Papua New Guinea.
Hoa Súng Amazon: Một trong những loài cây thủy sinh lớn nhất Trái Đất. Đường kính lá cây của Súng Amazon lên đến 3m, trong khi đó, thân cây dưới nước có thể dài đến 8m. Súng Amazon còn có tên là súng nia, sen vua, sen Amazon. Chúng là quốc hoa của Guyana.
Cá vây tay: Động vật thời tiền sử, cổ nhất còn sống trên Trái Đất. Loài cá vây tay (tên khoa học Coelacanthiformes) tưởng chừng đã tuyệt chủng trong Kỷ Phấn trắng, cùng với khủng long cách đây 66 triệu năm, bất ngờ được tìm thấy tại một vùng biển trên thế giới năm 1999. Những cá thể còn sống hiện nay dài 2m và nặng khoảng 100kg.
Bọ đuôi bật trong hang sâu: Là sinh vật sống trong những hang động sâu nhất Trái Đất. Chúng là một phân lớp động vật chân đốt cổ xưa nhất và đông đúc nhất trên Trái Đất. Đặc tính nổi trội nhất của Bọ đuôi bật sống trong hang sâu là có khả năng sống sót trong điều kiện môi trường mới, dù thay đổi đột ngột đến đâu.
Theo vtc.vn