Văn hóa

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Đã yêu thương, không bạo lực

18:16 - 28/06/2019
Bạo lực trong gia đình sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ em, có thể hằn sâu trong các em một suy nghĩ: dùng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh.

Gia đình là tổ ấm, là cái gốc của hạnh phúc và sự thành đạt. Thế nhưng tại Việt Nam, khoảng 60% phụ nữ từng là nạn nhân của ít nhất một trong ba hình thức bạo hành trong đời sống vợ chồng; đó là bạo hành về thể xác, tình dục và tinh thần. “Bát đĩa còn có khi xô”, nhưng nếu cùng hướng đến thái độ tôn trọng lẫn nhau, đối xử với nhau văn minh và thượng tôn pháp luật thì sẽ hạn chế được những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra. 

Đã yêu thương, không bạo lực. 

"Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình”. Những câu nói tuyệt đẹp về gia đình đã trở thành chân lý, nhưng dường như lại là ngoại lệ đối với những phụ nữ đang phải ở nhờ trong các ngôi nhà tạm lánh của hội phụ nữ sau khi bị chính người chồng “đầu gối tay ấp” bạo hành.

 “Anh ấy đánh tôi, nhét cả quả chanh vào mồm để tôi không kêu được. Sau đó anh ấy lấy búa phang vào người tôi. Khi tôi kêu cứu, anh ta đã chọc dao vào mồm tôi. Anh ta đã cắt gân tay của tôi, đập mặt tôi xuống nền nhà”, một người vợ bị chồng bao hành đau đớn và sợ hãi kể lại.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, cứ 3 phụ nữ trên toàn cầu thì có một người là nạn nhân của bạo hành gia đình. Tại Việt Nam, tỷ lệ đó cao hơn khi có khoảng 60% phụ nữ từng là nạn nhân của ít nhất một trong ba hình thức bạo hành về thể xác, tình dục và tinh thần. Chưa kể, có những trường hợp đàn ông cũng bị vợ bạo hành. Điều đáng báo động hơn là có tới 50% nạn nhân đã giấu kín sự việc.

Điển hình là trường hợp chị Trần Thị Thu Hằng ở quận Thanh Xuân bị chồng tra tấn suốt 15 giờ như thời trung cổ (bị treo người lên bằng xích sắt, bị dùng búa đập vào mắt cá chân và bị đập chai bia vào đầu, thậm chí còn bị chồng dùng kim khâu quần áo khâu vết thương lại), nhưng chị Hằng vẫn chịu đựng như đã quen với những trận đòn suốt 18 năm. Người chồng sau đó bị bắt nhờ những người xung quanh tố giác. Tuy nhiên, rời bệnh viện với vết thương chưa lành, chị Hằng vẫn một mực xin cho chồng không bị xử lý. Hoặc tại Cương Sơn, Lục Nam, Bắc Giang, có phụ nữ bị bạo hành đến mức không còn sức khỏe để lao động.

Đã yêu thương, đừng bạo lực! Bởi bạo lực sẽ dễ sinh ra bạo lực. 

Còn đây là tâm sự của một phụ nữ ở Phú Thọ, hơn 30 năm hứng chịu đòn roi của người chồng nghiện rượu: “Tôi rất đau khổ nhưng ra ngoài đường không ai biết tôi bị chồng đánh. Tôi nghĩ nói ra để làm gì. Nói ra thì mọi cười cho, xấu hổ lắm”.

Theo một kết quả khảo sát, có tới 85% nạn nhân bị bạo hành có trình độ từ cao đẳng trở lên và hơn 60% người gây ra bạo lực gia đình có bằng cấp tương tự. Theo bà Phạm Thị Hương Giang, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, mỗi năm, Trung tâm Thông tin và Tham vấn cho phụ nữ nhận được yêu cầu tư vấn và hỗ trợ pháp lý của khoảng 1 nghìn trường hợp bị bạo hành.

Trong đó, chủ yếu nạn nhân đề nghị được tư vấn qua điện thoại, mặc dù Trung tâm có hình thức tư vấn trực tiếp như café tham vấn, phòng tham vấn và mô hình ngôi nhà bình yên cho phụ nữ ở tạm chờ pháp luật can thiệp.

“Vòng tròn bạo lực thì giai đoạn đầu nó rất đơn giản có thể chỉ có thể là những bất đồng quan điểm nhưng nếu ko có tư vấn chia sẻ (ở đây ko chỉ phụ nữ mà cả người bạn đời cũng cần được đến để tham vấn, bỏi vì điều quan trọng của vòng tròn bạo lực nó càng tích tụ thì vấn đề càng khó giải quyết) mới đầu là bạo lực nhỏ sau đó nâng cấp lên bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế, bạo lực tình dục”, bà Phạm Thị Hương Giang nói.

Các vết thương trên cơ thể do bị bạo hành có thể sẽ lành theo năm tháng nhưng những thương tổn về tinh thần thì khó phai, nên bạo lực gia đình dễ tái diễn. Luật sư Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty Luật hợp danh The Light cho biết, những trường hợp bị bạo hành tìm đến công ty để nhờ can thiệp pháp lý chủ yếu là phụ nữ và thường bị bạo hành nhiều lần. Nhiều người vợ không đi đến cùng để cơ quan chức năng xử lý người chồng có hành vi bạo lực nên chỉ sau một thời gian lại tìm đến nhờ luật sư trợ giúp.

Các vết thương trên cơ thể do bị bạo hành có thể sẽ lành theo năm tháng nhưng thương tổn về tinh thần thì khó phai, nên bạo lực gia đình dễ tái diễn... 

“Tôi cho rằng vấn đề nhận thưc pháp luật của người đàn ông là rất quan trọng. Vì đàn ông thường là tác nhân chính gây ra bạo lực gia đình. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức phải có những chế tài cụ thể đủ mạnh. Hiện nay, không thiếu những chế tài xử lý, tuy nhiên vẫn còn nhẹ. Đối với hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần, mỗi mức phạt chỉ từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng, thậm chí rất ít trường hợp bị xử lý. Đặc biệt là trao quyền nhiều hơn cho các cơ quan thực thi pháp luật. Trong những trường hợp nạn nhân từ chối yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết nên chăng cần trao quyền nhiều hơn cho cơ quan thực thi pháp luật, vẫn xử lý kể cả khi bị hại từ chối”, Luật sư Nguyễn Văn Hưng phân tích.

"Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Câu nói của người xưa  nhắc nhở vợ chồng đồng tâm hiệp lực, tôn trọng lẫn nhau, nói chuyện thẳng thắn, cởi mở, không áp đặt để tìm được tiếng nói chung; từ đó gìn giữ tổ ấm, hạnh phúc gia đình. Đã yêu thương, đừng bạo lực! Bởi bạo lực sẽ dễ sinh ra bạo lực.

Theo các chuyên gia tâm lý, hầu hết những trường hợp người chồng bị vợ bạo hành đều bắt nguồn từ việc trước đó người vợ nhiều lần bị chồng bạo hành nên “tức nước vỡ bờ”. Và, nguy hiểm hơn, bạo lực trong gia đình sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ em, có thể hằn sâu trong các em một suy nghĩ: dùng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống sau này./.

Văn Hải/VOV1/VOV.VN