Nghề nắn nồi đất là một nghề đặc trưng ở vùng sông nước. Nghề này có xuất xứ ở Hòn Đất, Kiên Giang từ cuối thập niên 1920. Tương truyền vị tổ nghề là một người Khmer, sau này người Việt đã học làm theo và duy trì nghề đến ngày nay.
Nghề nắn nồi đất đòi hỏi phải có sức khỏe và sự khéo léo của nghệ nhân. Sản phẩm làm ra không chỉ có nồi đất (hay còn gọi là om, ơ) mà còn có các vật dụng nhà bếp khác như cà ràng (một loại bếp lò), xoong, chảo…
Theo một nghệ nhân đã có thâm niên gắn bó 30-40 năm với nghề nắn nồi đất, trước kia nghề này có nhiều người làm nhưng hiện tại chỉ có vài nhà còn duy trì, mà chủ yếu là người lớn tuổi, những người trẻ hiện không còn ham mê với nghề.
Nắn nồi đất đòi hỏi phải có sức khỏe và sự khéo léo
Nguyên liệu để nắn nồi đất là đất sét. Đất sét sau khi được nhào nặn (đảm bảo độ mịn của đất sét và không bị đọng nước) rồi nắn thành nồi đất theo đúng quy chuẩn và mang phơi hai ngày dưới trời nắng.
Đến ngày thứ ba là khô (nếu trời nắng to), còn gặp phải ngày trời mưa thì có khi phải phơi 5-6 ngày mới khô. Sau đó, sản phẩm được mang đi nung.
Hình ảnh những chiếc nồi đất được xếp ngay ngắn, phơi dưới ánh nắng trên làng quê khiến nhiều người cảm nhận rõ sự chịu thương chịu khó của người dân quê chăm chỉ, cần cù; tạo nên bức tranh cuộc sống đồng quê bình dị. Nghề phát triển nhất vào mùa nông nhàn, người dân tận dụng đất sét từ địa phương sản xuất nồi đất, có thểm thu nhập.
Mặc dù có nhiều sản phẩm nồi bếp bằng nhiều chất liệu như kim loại, bằng thủy tinh nhưng nồi đất ở Hòn Đất vẫn được người dân trong vùng và khu vực lân cận ưa chuộng. Làng nghề nắn nồi đất cũng là điểm nhấn cho mỗi du khách có dịp đến Hòn Đất (Kiên Giang). Đây là cơ hội để tham quan, tìm hiểu về nghề đặc trưng gắn liền với người dân miền sông nước.
Vietnam Journey