Gia đình nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cho biết, ông qua đời vào lúc 17h15 tại nhà riêng ở đường Trần Khắc Chân (quận 1, TP.HCM) do tuổi cao, sức yếu. Ông hưởng thọ 94 tuổi.
Dự kiến, lễ viếng sẽ được tổ chức vào sáng 27/12 tại Nhà Tang Lễ TP. HCM (25 Lê Quý Đôn, Quận 3). Lễ di quan sẽ diễn ra sáng 29/12 và lễ an táng tại Nghĩa trang hoa viên Bình Dương.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý
Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5/3/1925 tại Vinh, Nghệ An, quê gốc ở Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, cha của ông là "trùm một phường bát âm của miền quê Vĩnh Phú thạo cả hát văn, hát chèo và hát ả đào", sau vào làm thợ máy nhà máy xe lửa Trường Thi ở Nghệ An.
Thuở bé, Nguyễn Văn Tý học ở Trường Quốc học Vinh và được một giáo viên người Pháp dạy cho những bài hát của Tino Rossi đang thịnh hành thời đó. Trong thời gian tham gia hoạt động hướng đạo, ông được một cha cố người Tây Ban Nha cho vào dàn nhạc nhà thờ hát thánh ca.
Ở đó ông được học nhạc lý cơ bản và nhất là nâng cao trình độ hòa thanh, hát bè. Nguyễn Văn Tý còn được một thầy giáo nhạc sĩ người Hoa tên Mạnh Hinh dạy chơi đàn guitar Hawaii.
Theo lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ông bắt đầu sáng tác vào năm 1947 khi là trưởng Phòng thông tin tuyên truyền huyện Thanh Chương, nhưng ông coi tác phẩm đầu tay của mình là bài "Ai xây chiến lũy" được viết năm 1949.
Năm 1948, Nguyễn Văn Tý ở đoàn văn hóa tiền tuyến thuộc Quân huấn cục. Sau đó, từ năm 1950, ông nhận nhiệm vụ đi xây dựng Đoàn văn công của Sư đoàn 304 và làm trưởng đoàn. Bản "Dư âm" nổi tiếng được ông sáng tác khoảng 1950 sau một lần về chơi nhà bạn ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. "Dư âm" viết về cô em gái của người bạn đó.
Đến 1951, Nguyễn Văn Tý giải ngũ và chuyển về công tác ở Chi hội văn nghệ Liên khu IV. Năm 1952, ông quen biết với bà Nguyễn Thị Bạch Lệ, em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, và sau đó hai người thành hôn. Thời gian này ông sáng tác những bài như: "Vượt trùng dương" (1952), "Tiếng hát Dôi-a" (1953) và ca khúc nổi tiếng "Mẹ yêu con" (1956).
Cuối năm 1957, Nguyễn Văn Tý cùng với Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao được chỉ định thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã để lại nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng như: "Dư âm", "Dáng đứng Bến Tre", "Mẹ yêu con", "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa", "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh", "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ"...
Năm 2000, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh./.
PV/VOV.VN