Văn hóa

Nhân Cánh diều vàng nói chuyện điện ảnh Việt

11:54 - 10/04/2019
Trong những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam đã chứng kiến những bước tiến vượt bậc. Các bộ phim trong nước dần vươn ra nước ngoài, nội dung và diễn xuất của các diễn viên cũng tiến bộ hơn nhiều. Trước thềm lễ trao giải Cánh diều 2018 - giải thưởng điện ảnh thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, hãy cùng lắng nghe cảm nhận của các khán giả và chuyên gia về điện ảnh Việt hiện nay.

Trong khuôn khổ sự kiện chiếu phim miễn phí trước thềm Lễ trao giải Cánh diều vàng 2018, khán giả có cơ hội được thưởng thức 6 tác phẩm ấn tượng của điện ảnh Việt Nam trong năm 2018: Người bất tử (đạo diễn Victor Vũ), Song lang (đạo diễn Leon Quang Lê), Tháng năm rực rỡ (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), Siêu sao siêu ngố (đạo diễn Đỗ Đức Thịnh), Nơi ta không thuộc về (đạo diễn Đặng Thái Huyền), 100 ngày bên em (đạo diễn Vũ Ngọc Phượng). 

Khán giả khen phim Việt không thua kém nhiều so với thế giới...

Sự kiện thu hút đông đảo những người yêu nghệ thuật thứ 7, và hơn hết là dành tình cảm cho điện ảnh nước nhà. Theo anh Hà Đức Nhã - một khán giả có mặt tại buổi chiếu phim - điện ảnh Việt Nam hiện tại thay đổi rất nhiều so với trước kia. Nội dung phim cũng như diễn xuất của diễn viên cũng có sự tiến bộ vượt bậc.

Anh Hà Đức Nhã cho rằng nội dung, diễn xuất và các cảnh quay trong phim Việt hiện nay rất đẹp

"Điện ảnh Việt Nam sẽ không thua kém quá nhiều so với điện ảnh thế giới nếu biết tận dụng thế mạnh của mình", anh cho biết thêm.

Hay một khán giả trẻ khác - bạn Nguyễn Đức Minh, 18 tuổi, lại cho rằng: "Điện ảnh Việt Nam gần đây có vẻ được đầu tư nhiều hơn và làm phim một cách nghiêm túc hơn. Về tương lai của phim điện ảnh Việt Nam, mình nghĩ nó sẽ tích cực hơn rất nhiều. Càng ngày càng được khán giả yêu thích và công nhận."

Bạn Minh rất lạc quan về tương lai của phim điện ảnh Việt Nam

Không chỉ gói gọn tại các rạp chiếu trong nước, điện ảnh Việt Nam đang dần dần vươn ra nước ngoài bằng những sản phẩm có chiều sâu, cùng sự đầu tư rất lớn cả về nội dung lẫn hình thức.

Đơn cử như bộ phim Người bất tử của đạo diễn Victor Vũ khiến cộng đồng quốc tế xôn xao trong thời gian qua, hay mới đây nhất là tác phẩm Hai Phượng của "đả nữ" Ngô Thanh Vân được công chiếu tại Mỹ - trở thành bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt chính thức chinh chiến ở thị trường quốc tế.

"Người bất tử" - dự án gần đây nhất của đạo diễn Victor Vũ - gây tiếng vang cả ở thị trường nước ngoài"Hai Phượng" - bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam được công chiếu song song tại cả hai thị trường Việt Nam và Mỹ

Tất cả những sản phẩm điện ảnh này đều đang chứng tỏ một điều: Điện ảnh Việt Nam đã qua rồi cái thời chỉ còn nằm trong cái "ao làng". Đồng nghĩa với đó là các tác phẩm đang ngày càng chất lượng hơn, đáp ứng được những tiêu chuẩn về điện ảnh quốc tế.

Không chỉ có phần kỹ thuật như âm thanh, hình ảnh, chất lượng phim, màu sắc và các cảnh hành động phải đủ đẳng cấp Hollywood, mà cốt truyện trong phim cũng phải cô đọng, không lan man dàn trải nhưng vẫn đầy đủ kịch tính, cao trào, có chiều sâu.

Bên cạnh chất lượng hình ảnh tốt, nội dung hấp dẫn, phim Việt vẫn cần đi sâu vào thực tế nhiều hơn. Khán giả Trần Thị Quỳnh Mai cho rằng: "Điện ảnh phải phản ánh chân thực cuộc sống thì mới thu hút sự quan tâm của khán giả."

Chị Trần Thị Quỳnh Mai 

Các nhà phê bình đòi hỏi phim Việt cần nâng cao chất lượng nghệ thuật và kịch bản

Cũng trước thềm lễ trao giải Cánh diều 2018, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức một buổi tọa đàm với chủ đề "Sáng tác điện ảnh, phim truyền hình 2018".

Tại buổi tọa đàm, rất đông các đại biểu đã nói lên quan điểm và đánh giá về điện ảnh nước nhà. Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Luân Kim - Đại diện ban giám khảo hạng mục phim Điện ảnh cho biết trong năm qua có tất cả 35 bộ phim Việt được sản xuất và công chiếu. Trong số đó có 14 phim tranh giải Cánh diều năm nay. 

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Luân Kim - Đại diện ban giám khảo hạng mục phim Điện ảnh

So với các năm trước, số lượng phim hài nhảm rẻ tiền đã giảm đi rất nhiều. Đặc biệt, chỉ có một phim yếu kém ở năm nay do cách kể chuyện còn dài dòng và lê thê. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho phim Điện ảnh nói riêng và nền Điện ảnh nước nhà nói chung.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thì cho rằng thị trường điện ảnh Việt Nam đang bị bão hòa, khi ngay cả những bộ phim trong nước lẫn những bộ phim quốc tế được chiếu ở nước ta đều chỉ mang những nội dung như hài, kinh dị hay hành động. Trong khi những phim nghệ thuật, phim tâm lý thì vô cùng hiếm hoi.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát – Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam 

Điểm yếu của nền điện ảnh trong nước được NSND Đào Bá Sơn chỉ ra đó chính là kịch bản, khi chưa có những nhân vật hoàn chỉnh; những tình huống, câu chuyện còn thiếu tính logic. So với năm ngoái, chất lượng phim năm nay ít phim hài nhảm, phim dở. Kỹ thuật hay hình ảnh trong phim cũng phát triển nhanh và không hề thua kém nền điện ảnh các nước bạn.

Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn – Phó chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội điện ảnh Việt Nam 

Dẫu biết, vẫn còn rất lâu nữa điện ảnh Việt Nam mới có thể ngang hàng cùng những Hollywood, Bollywood hay gần nhất là điện ảnh nước bạn Trung Quốc, nhưng các khán giả Việt có quyền hy vọng về một tương lai tươi sáng của điện ảnh nước nhà. Để những mùa Cánh diều tiếp theo, người ta sẽ nhìn thấy các tác phẩm thực sự có sức nặng, và hơn hết là đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường điện ảnh quốc tế.

Giải Cánh diều là giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam nhằm vinh danh những bộ phim Việt (thuộc nhiều thể loại: phim truyện nhựa, phim truyền hình, phim tài liệu, phim khoa học…) các công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình điện ảnh và đội ngũ người làm phim Việt Nam.

Năm nay, tham dự Giải Cánh diều có 14 phim điện ảnh, 10 phim truyền hình, 3 phim video, 61 phim tài liệu, 14 phim khoa học, 14 phim hoạt hình, 18 phim truyện ngắn (từ 5-30 phút), 8 phim tài liệu ngắn (từ 10-27 phút) và 2 công trình lý luận, phê bình điện ảnh.

Dự kiến, Lễ trao Giải Cánh diều 2018 sẽ diễn ra vào tối 12/4 tại Nhà hát Hòa Bình (Thành phố Hồ Chí Minh).

Tiểu Dương, Hoài Nam, Lê Ly/Vietnam Journey