Văn hóa

Nhận thức về văn hoá có tín hiệu tốt nhưng chưa được coi trọng đúng mức

23:06 - 25/12/2019
Đó là nhận xét của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020.

Chiều 25/12, tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì hội nghị. 

Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020 đã diễn ra vào chiều 25/12 tại Hà Nội. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành từ năm 2009.

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược, lĩnh vực văn hoá đã đạt được nhiều thành tựu, tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở, ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng. Hội nghị là dịp để đánh giá một cách tổng quát nhất về tình hình thực hiện Chiến lược, xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc ban hành Chiến lược mới, xác định những căn cứ cho các chính sách của Đảng, Chính phủ và ngành văn hóa trong những vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa.

Theo Bộ VH-TT&DL, Văn hóa đã góp phần quan trọng tạo không khí dân chủ, dân trí được nâng cao, tính năng động sáng tạo, tính chủ động và tính tích cực xã hội của con người được phát huy, dân chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được mở rộng, góp phần hình thành các nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam. Tư tưởng, đạo đức, lối sống, đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân có nhiều chuyển biến quan trọng. 

Văn hóa đã trở thành một nội dung quan trọng trong các hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp, từng bước gắn bó chặt chẽ với các nhiệm vụ kinh tế, xã hội. Nhận thức rõ hơn trong việc gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quốc phòng-an ninh, đối ngoại với phát triển văn hóa và xây dựng con người. Vì thế, những năm gần đây, vai trò của văn hóa góp phần vào sự phát triển bền vững đã và đang được khẳng định.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu khai mạc Hội nghị.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi động, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ đa dạng của công chúng. Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng, tăng đáng kể về số lượng, chất lượng; đã và đang hình thành thị trường sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ. Xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa. 

Hoạt động văn học nghệ thuật, thông tin báo chí được mở rộng, có nhiều thành tựu đóng góp tích cực cho sự nghiệp đổi mới. Đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ có bước trưởng thành; quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng.

Giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa được mở rộng và có nhiều khởi sắc, từng bước đi vào chiều sâu, chú trọng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, bước đầu cố gắng giữ vai trò chủ động trong việc tiếp nhận có chọn lọc, làm giàu văn hóa dân tộc, việc quảng bá hình ảnh dân tộc và văn hóa Việt Nam ra nước ngoài được chú ý. 

Qua 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hoá, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác xây dựng đạo đức, lối sống được ban hành và triển khai thực hiện. Bộ VH-TT&DL cũng đã ban hành nhiều văn bản liên quan như: Nghị định về xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hoá", "Thôn văn hoá", "Làng Văn hoá", "Ấp văn hoá"; Nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội; chỉ thị về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình...nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả thiết thực phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá".

Các văn bản được ban hành đã phát huy được hiệu quả, hiệu lực quản lý các hoạt động văn hoá cơ sở, góp phần quan trọng trong việc đề cao vai trò của văn hoá trong đời sống xã hội. Nhiều giá trị, chuẩn mực văn hoá đã trở thành hiện thực trong đời sống, trở thành nề nếp, tạo ra giá trị mới phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, góp phần thúc đẩy, vận động quần chúng nhân dân.

Bên cạnh đó, chính quyền các cấp tiếp tục nâng cao hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tinh thần yêu nước của dân tộc. 

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ nguyên nhân của khó khăn, hạn chế và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Một trong những tồn tại đó là sư xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần, môi trường văn hoá lành mạnh. Cách ứng xử thiếu văn hoá nơi công cộng, sử dụng ngôn từ thiếu chuẩn mực trong giao tiếp làm phương hại đến sự trong sáng của tiếng Việt...

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đưa ra những giải pháp xây dựng con người Việt Nam: cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là của các nhà lãnh đạo về tầm quan trọng, vị trí của văn hoá trong phát triển con người; chấn chỉnh đạo đức xã hội, thực thi nghiêm kỷ cương, pháp luật; tăng cường vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể trong hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hoá....

Các đại biểu cũng cho rằng cần nâng cao trách nhiệm của báo chí trong hoạt động biểu dương gương người tốt việc tốt, xây dựng văn hoá phản biện trong xã hội. Đồng thời cần giải quyết việc làm và nâng cao đời sống nhân dân. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. 

Sau khi lắng nghe báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020 của Bộ VH-TT&DL, tham luận đóng góp của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra ý kiến chỉ đạo. Nhấn mạnh văn hoá là một quá trình nỗ lực, sáng tạo liên tục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, để có thể nhận thấy rõ sự phát triển, thay đổi trên nhiều lĩnh vực cần định lượng chứ không chỉ là những nhận định cảm tính.

“Chúng ta nghe trong xã hội nói nhiều về văn hóa, nhất là vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp, nhưng lại ít thấy có những đánh giá, thống kê rõ nét về những bước phát triển trên từng lĩnh vực. Nếu căn cứ vào các số liệu thì thấy rất rõ những bước phát triển đó trên các lĩnh vực của văn hóa...”, Phó Thủ tướng phát biểu.

Trong thời gian tới, ngành VH-TT&DL cần đẩy mạnh chuẩn hoá các tiêu chí, xây dựng phương pháp lượng hoá làm cơ sở để đánh giá, định hướng xã hội trước các vấn đề văn hoá, đạo đức. “Đây là việc khó nhưng không phải không làm được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, nhận thức trong xã hội về văn hoá được nâng lên: “Gần đây các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước khi làm việc đều nhấn mạnh đến vấn đề văn hoá. Những vấn đề xã hội, văn hoá luôn được đặt ra, chất vấn trong các kỳ họp Quốc hội. Đây là tín hiệu đáng mừng khi văn hoá-xã hội đã được chú ý hơn trước sức ép về tăng trưởng kinh tế. Cùng với kinh tế, nguồn lực của xã hội đầu tư cho lĩnh vực văn hoá đã lớn hơn rất nhiều lần. Đây là hệ quả từ nhận thức về văn hóa được nâng lên...".

Cùng với những kết quả rõ nét là những mặt trái cần thẳng thắn nhìn nhận. Nhận thức về văn hóa đã được nâng lên nhưng vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa dành đủ thời gian chỉ đạo, nguồn lực cho văn hoá mà vẫn chạy theo sức ép tăng trưởng kinh tế. Theo Phó Thủ tướng, phải quyết liệt hơn trong vấn đề này. Chỉ khi nhận thức đúng về văn hóa thì sự đầu tư về con người, thời gian, nguồn lực... mới được chú trọng và hiệu quả.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Chiến lược giai đoạn mới cần chú ý các yếu tố phù hợp với thời đại 4.0. Bên cạnh đó, cần chú ý đến sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa: "Lâu nay, chúng ta vẫn coi công nghiệp văn hóa là  sức mạnh mềm để lan tỏa, tuy nhiên qua nhiều năm vẫn chưa thấy sự đột phá. Nên chăng thời gian tới cần lựa chọn một số ngành cụ thể để tập trung đầu tư, tạo sự đột phá". 

Với mục tiêu xây dựng văn hóa - con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, bên cạnh những giải pháp đã triển khai, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần tiếp tục thực hiện “3 chân kiềng” cho phát triển văn hóa, con người: “Phát triển văn hoá phải tuyên truyền, thuyết phục, vận động phát huy sáng tạo cá nhân, dân chủ nhưng phải đi liền với pháp luật, kỷ cương, nhất là phải làm gương. Trước hết từ bộ máy Đảng, chính quyền, các bộ ngành, từ cao xuống thấp. Cán bộ phải làm gương trước người dân. Người lớn làm gương cho con trẻ”./. 

Lê Anh/VOV.VN