Văn hóa

Nhật Bản nỗ lực hồi sinh nghề gốm Obori Somayaki sau thảm họa sóng thần

11:25 - 11/03/2021
Thảm họa động đất sóng thần kéo theo sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã khiến cho các sản phẩm gốm Obori Somayaki có nguy cơ bị mai một.

Gốm Obori Somayaki là một dòng gốm truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản với lịch sử 300 năm tại vùng Obori, thành phố Namie, tỉnh Fukushima. Thế nhưng, thảm họa động đất sóng thần kéo theo sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã khiến cho các sản phẩm gốm Obori Somayaki có nguy cơ bị mai một. 10 năm sau thảm họa, những người thợ gốm Nhật Bản đang cố gắng và mong muốn thực hiện hồi sinh dòng gốm này, cho dù rất khó khăn.

Nhật Bản nỗ lực hồi sinh nghề gốm Obori Somayaki sau thảm họa sóng thần - Ảnh 1.Gốm Obori Somayaki. Ảnh: Kogeijapan

Toshiharu Onoda là thợ làm gốm đời thứ 13 tại Obori, thành phố Namie, nơi rất gần với nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Vào thời điểm cách đây 10 năm, ông đã chứng kiến trong gang tấc giữa sự sống và cái chết khi thảm họa động đất sóng thần ập xuống.

"Lò nung trước mặt tôi kêu lạch cạch và mọi thứ bên trong bỗng vỡ tan trên mặt đất. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến một thứ kinh hoàng như vậy. Tôi không thể di chuyển cho dù tôi có cố gắng để chạy đi. Vào thời điểm đó, tôi không biết rằng tôi có thể không bao giờ được trở lại Namie. Và khi đó, tôi chỉ hi vọng có thể bắt đầu dọn dẹp đống đổ nát này vào buổi sáng hôm sau".

Thế nhưng hi vọng đó của Onoda đã phải đợi 10 năm sau mới có thể thực hiện được. Ông và rất nhiều thợ gốm khác ngay lập tức đã bị buộc phải rời đi khỏi nơi mà cha ông của họ đã gắn bó hơn 300 năm theo lệnh sơ tán của Chính phủ sau thảm họa rò rỉ hạt nhân của nhà máy Fukushima Daiichi.

10 năm sau, bằng nỗ lực của Chính phủ, vùng đất Fukushima đã được nới lỏng, người dân được khuyến khích trở về nhà. Ông Onoda cùng một số thợ gốm cũng bắt đầu trở về dọn dẹp nơi xưa cũ, với mong muốn khôi phục lại nghề làm gốm Obori Somayaki nổi tiếng nơi đây.

Nhật Bản nỗ lực hồi sinh nghề gốm Obori Somayaki sau thảm họa sóng thần - Ảnh 2.Ảnh: Kogeijapan

Nhưng 10 năm dài đằng đẵng trôi qua, rất nhiều trong số những người thợ làm gốm của Namie đã không thể trở về hoặc bỏ nghề hoặc không muốn trở về do lo ngại những hậu quả do thảm họa hạt nhân để lại. Thậm chí, rất nhiều loại vật liệu như đất sét ở Namie cũng không thể sử dụng được nữa. Trong suốt 10 năm qua, ông Onoda vẫn cho ra đời những sản phẩm gốm nhưng không phải là loại gốm Obori Somayaki khi xưa, bởi nguyên liệu làm ra chúng không phải nguyên bản ở vùng đất Obori.

Dù vậy, ông vẫn hi vọng cùng với thời gian, cùng với những kỹ thuật vốn có của một làng nghề gốm truyền thống nổi tiếng và sự phát triển của công nghệ, vẫn có thể tạo ra một loại vật liệu như trước đây. Ông cũng mong muốn được truyền nghề cho những thế hệ mai sau để những kỹ thuật làm gốm Obori Somayaki nổi tiếng của Nhật Bản sẽ không bị mai một.

“Tôi đã tự làm gốm suốt hơn 20 năm qua. Dù có nhiều thay đổi, tôi vẫn luôn muốn làm gốm ở Obori Somayaki . Tôi muốn truyền lại nghề gốm có lịch sử 300 năm lâu đời của Nhật Bản cho thế hệ mai sau. Đó là mục tiêu lớn nhất của tôi”.

Theo VOV.VN

Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV