Theo quan niệm của người Thái: ninh đồng là của cải bố mẹ dành cho con cái, nhưng chỉ con trai mới được mua sắm cho cái ninh, còn con gái thì sắm đồ gia dụng khác. Bà con cho rằng, trong ninh đồng có hồn thiêng của tổ tiên đi theo nên ít khi cho mượn, chủ yếu để dùng trong gia đình. Ngoài ra, cũng xuất phát từ cuộc sống hằng ngày hay ăn đồ xôi, đồ cách thuỷ nên trong các gia đình của người Thái luôn có Mỏ nửng- cái ninh. Khi con trai xây dựng gia đình, ra ở riêng, bà con thường sắm cho con một cái ninh đồng.
Vào nhà mới, cái ninh đồng sẽ được người đàn ông trụ cột trong gia đình xách lên trước, sau đó mới đến đồ gia dụng khác trong nhà. Khi có nhu cầu mua sắm ninh đồng về sử dụng, bà con sẽ nhờ ông mo hoặc người hiểu biết về đo đạc và biết cầu khấn để ninh đồng linh thiêng, gia đình sử dụng bền lâu, con cháu làm ăn phát đạt. Khi đo, bà con thường dùng lạt mềm đo từ quai ninh bên nay sang quai ninh bên kia, sau đó đo từ đáy lên miệng ninh. Đặc biệt từ đáy lên miệng ninh bao giờ cũng phải cao hơn thì ninh mới tốt. Đo xong bà con bẻ gập thành từng đốt bằng đốt ngón tay, mỗi đốt bẻ gập tương xứng với một câu cầu khấn, nếu bẻ đến câu cầu khấn mà không tốt, cái ninh đó sẽ bị loại vì không hợp với gia chủ này.
Ông Lò Văn Thái ở bản Mái, xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La nói: "Ninh đồng nhà nào cũng phải có, khi lên nhà mới thì chủ nhà phải xách lấy cái ninh trước, sau đó mới lấy cái khác, làm nhà mới ra ở riêng thì nhà nào cũng phải có nếu không có cái ninh thì không được. Bây giờ không có ninh đồng thì người ta sử dụng ninh nhôm, ninh nào cũng được. Thế hệ già như chúng tôi thì sử dụng ninh đồng”.
Ninh đồng (mỏ nửng) thường được bà con sử dụng chủ yếu là để xôi cơm, ít dùng để nấu món ăn khác. Cùng với mỏ nửng- cái ninh thường có “hay khảu” (tức chõ xôi) làm bằng gỗ hoặc tre. Chõ có 2 loại, 1 loại chuyên để xôi cơm thì làm bằng gỗ; 1 loại làm bằng tre, dùng gióng bương dài, to, lấy dao tỉa sát thành ống bương, rồi lấy tre hoặc cây loi chẻ nhỏ đan quanh chõ tạo thành lỗ thông hơi, chõ này dùng để xôi rau, măng, củ quả... Đặc biệt đến ngày cúng cơm tổ tiên, theo lịch Thái 10 ngày bà con cúng cơm một lần theo dòng họ, bà con rửa sạch ninh, không dùng nước cũ trong ninh.
Do ninh đồng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người Thái nên được bà con lưu giữ từ đời này qua đời khác, nhưng chỉ có con trai mới được sử dụng đồ gia dụng này. Nếu như phải di chuyển nhà đến nơi ở mới thì cái ninh sẽ là vật dụng đầu tiên được gia chủ mang theo bên mình.
"Gia đình tôi sử dụng cái ninh này qua 3 thế hệ rồi, từ đời ông tôi, đến đời tôi nay đến con tôi. Người Thái quan niệm chủ nhà là phải có cái ninh, nếu phải di chuyển thì người ta phải mang theo vì cái ninh có thể sử dụng đun nấu hoặc luộc thay nồi được nhưng phần lớn là để xôi cơm.” Ông Lò Văn Thâng ở phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ chia sẻ.
Chiếc ninh đồng không chỉ là đồ gia dụng mà còn có ý nghĩa tâm linh, nơi có hồn thiêng của tổ tiên luôn dõi theo con cháu, mong con cháu luôn có cuộc sống an vui, no đủ. Vì thế, dù ngày nay ninh đồng khan hiếm dần, chỉ phổ biến những chiếc ninh nhôm trên thị trường, nhưng bà con người Thái vẫn trân trọng như ninh đồng – một vật dụng không thể thiếu trong đời sống của họ./.
Lường Hạnh/ VOV Tây Bắc