Văn hóa

Ok Om Bok – Lễ hội cúng trăng đặc sắc của đồng bào Khmer Nam bộ

07:45 - 12/11/2019
Đồng bào dân tộc Khmer có khoảng 1,3 triệu người, sống rải rác hầu hết các tỉnh Nam bộ. Hàng năm cứ đến rằm tháng 10 âm lịch, đồng bào luôn tổ chức Lễ hội Ok Om Bok. Vậy nghi thức tổ chức lễ Ok Om Bóc được bà con thực hiện như thế nào?

Nghi thức cúng trăng được tổ chức vào ban đêm rằm tháng 10, lúc mặt trăng vừa nhô lên khỏi ngọn cây. Các lễ vật cúng chủ yếu là những sản phẩm nông sản do bà con vun trồng, cấy hái có được như: khoai môn, khoai mì, trái dừa tươi, chuối,… tùy theo điều kiện của mỗi gia đình nhưng không thể thiếu cốm dẹp. Cốm dẹp được làm từ nếp đầu mùa vừa chín tới, phơi dưới nắng nhẹ buổi sáng cho vừa se se khô. Sau đó cho vào nồi đất rang cho vỏ đến vỏ trấu cháy xém, bốc lên mùi thơm nhẹ thì đưa vào cối để giã thành cốm. 

Chuẩn bị cốm dẹp, nông sản lễ vật

Mâm cúng trước khi trời tối, trăng lên

Khi trăng lên khỏi ngọn cây, tỏa sáng, người chủ lễ - thường người cao tuổi được dòng tộc kính trọng, bắt đầu thắp nhang, nến, rót trà dâng lên thần mặt trăng. Cúng xong chủ lễ ngồi chắp tay hướng về mặt trăng, lấy cốm dẹp và các vật cúng mỗi thứ một ít vò thành nắm đút cho trẻ, tay còn lại đấm nhẹ vào lưng, xong, chủ lễ khuyên dạy các cháu phải chăm ngoan, học hành giỏi giang để đạt được ước nguyện, có ích cho đời… Nghi thức cúng trăng kết thúc, mọi người tay bắt mặt mừng chúc nhau những điều tốt đẹp nhất. 

Lễ vật cúng trăng đã sẵn sàng

Cả nhà cầu nguyện và dâng lễ vật lên thần mặt trăng

Đúc cốm dẹp cho trẻ sau khi cúng xong

Ở chùa các vị sư, à cha cũng tiến hành nghi thức cúng và đúc cốm dẹp cho con em phật tử

Ông À cha Lâm Phi đến từ Trà Cú nói: “Tục cúng trăng này tới mùa thì bà con Khmer nhà nào cũng tổ chức. Mục đích nhằm tạ ơn đấng thiêng liêng đó là thần bảo hộ mùa màng, nhìn lại một năm mình trồng được những nông sản gì, cầu nguyện tiếp tục làm ăn phát đạt, gia đình khỏe mạnh… được ông bà để lại từ xưa tới nay nên năm nào cũng phải cúng”.

Ngoài dâng lên thần trăng những sản vật địa phương, ngay trong đêm trăng rằm còn có nghi thức thả đèn nước (hoa đăng) mà bà con Khmer gọi là Lôi protip và nghi thức thả đèn gió. Đèn nước trước đây được làm bằng thân và bẹ chuối, có trang trí hoa văn, có hình thù như một ngôi đền, trên mui có treo cờ phướn nhưng dần sau này thường được thay thế bằng vật liệu nhẹ có sẵn. Nghi thức thả đèn nước là nhằm tạ lỗi thần đất và thần nước qua một năm cày cấy, canh tác tạo ra lương thực… cũng như đã tạo ra sự sống trên trái đất. Ánh đèn lung linh, rực rỡ tỏa ra từ chiếc đèn trôi trên dòng sông trong đêm hội cũng nhằm nhắc nhở mọi người hãy ra sức bảo vệ môi trường nước, môi trường sinh thái. Trong khi đèn gió thả lên không trung, lắt lay giữa bầu trời đêm lại mang thông điệp tốt đẹp đến với thần Mặt trăng. 

Thả đèn gió dâng lên mặt trăng

Đèn gió giữa không trung

Thả đèn nước cùng với nguyện mưa thuận gió hòa, môi trường luôn xanh tươi, trong sạch

Ngọn đèn mang theo ước nguyện

Ông À cha Sơn Sol đến từ huyện Trà Cú cho biết về ý nghĩa của nghi thức thả hoa đăng trong đêm rằm: "Lôi protip (thả hoa đăng) là nhằm tạ ơn đất đai vì muôn vật trên thế gian được tạo ra bởi 4 yếu tố thổ, phong, hỏa, thủy và chính thổ, phong, hỏa, thủy nuôi sống muôn vật, trong đó có con người. Do đó bên cạnh nghi thức chính cúng trăng – thần bảo hộ mùa màng, người xưa không quên tạ ơn đất đai, sông rạch”. 

Đối với đồng bào Khmer, trong đời sống mặt trăng mang một ý nghĩa tâm linh vô cùng quan trọng. Căn nguyên của trăng được khắc họa thông qua hình ảnh con thỏ và mặt trăng trong ngụ ngôn Phật giáo. Còn trong dân gian, người Khmer cho rằng Mặt trăng là vị thần điều tiết có ảnh hưởng lớn đến mùa màng, và lễ cúng trăng chính là dịp tưởng nhớ, đền đáp công ơn thần mặt trăng vào mỗi đêm rằng tháng 10, cũng là thời điểm thu hoạch hoa màu của năm. Theo Thượng tọa Thạch Oai, sư cả chùa Kom Pong, TP. Trà Vinh theo truyền thống dân gian là do đồng bào Khmer chủ yếu thuần nông, canh tác phụ thuộc nhiều vào thời tiết trong năm nên cúng trăng nhằm để tạ ơn sau khi thu hoạch mùa vụ, mong cầu nguyện năm sau trời tiếp tục mưa thuận, gió hòa.

Lễ hội Ok Om Bok - cúng trăng là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Khmer Nam bộ. Đó là mong ước ngàn đời không chỉ của riêng đồng bào dân tộc Khmer mà còn là ước vọng chính đáng của các dân tộc, của nhân loại. Hiện lễ hội đã trở thành nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt của cả một vùng, không chỉ là lễ hội riêng của đồng bào Khmer mà là của cả cộng đồng các dân tộc cùng chung sống.

Sa Oanh/VOV ĐBSCL