Qua khảo sát bước đầu, tạm thời chiếc trống đồng này được đặt tên là Trống đồng Gia Phú (gắn với tên địa danh của xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai). Tổng thể trống đồng còn tương đối nguyên vẹn có chiều cao 38cm, rộng đáy 67,5cm, mặt trống có đường kính rộng 63cm, phần tang trống cao 23cm, phần bầu và mặt trống cao 15cm.
Trống đồng có bốn quai được bố trí đối xứng hai bên cách nhau 27cm xen kẽ giữa các hoa văn hình khắc vạch, hình người cách điệu và hình chim lạc. Chính giữa mặt trống được khắc họa bởi hoa văn hình mặt trời gồm 12 cánh, chung quanh là những vòng hoa văn hình chim lạc và hình răng cưa đối xứng đều nhau.
Theo đánh giá bước đầu của cơ quan chuyên môn, chiếc trống thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn (cách đây 2.000 - 2.500 năm). Đây là một hiện vật rất có giá trị về nghiên cứu khoa học, lịch sử và văn hóa, góp phần vào việc khẳng định sự phát triển lâu đời của cư dân Lạc Việt ở vùng biên cương phía bắc của Tổ quốc Việt Nam.
Để làm tốt công tác bảo quản, gìn giữ và phát huy tác dụng cho việc trưng bày của bảo tàng sau này, Bảo tàng tỉnh Lào Cai đã có tờ trình, trình các cấp có thẩm quyền mời các chuyên gia chuyên ngành của Viện Khảo cổ học, Trung tâm Tiền sử Đông-Nam Á tiến hành nghiên cứu, giám định cho các hiện vật trên một cách khoa học, chính xác.
Đồng thời, thành lập Hội đồng thẩm định, định giá đối với di vật, cổ vật, làm cơ sở chi bồi dưỡng, hỗ trợ và khen thưởng đối với tập thể, các nhân có thành tích trong bảo tồn giá trị di sản theo Điều 33, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.
Bảo tàng tỉnh Lào Cai hiện đang lưu giữ, bảo quản, trưng bày trống đồng Pha Long (niên đại: Văn hóa Đông Sơn, khoảng 2.500 - 2000 năm cách ngày nay; được người dân tỉnh Lào Cai phát hiện từ năm 1956) đã được công nhận là bảo vật quốc gia.
Phạm Dương, theo anninhthudo.vn