Triển lãm “Sắc dó và gốm Hương Canh” tràn ngập không gian nghệ thuật tinh tế và sâu lắng, với khoảng 100 tác phẩm nghệ thuật gồm tranh vẽ trên loại giấy dó được sản xuất ở làng Dương Ổ (Bắc Ninh) và các loại bình, lọ…làm bằng gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc).
Các tác phẩm nghệ thuật ở đây đều mang vẻ đơn sơ, chân thực nhưng vô cùng tinh tế, sâu sắc. Tất cả được thể hiện trên những chất liệu giản dị và dân dã, một dòng thử nước là giấy dó được làm từ vỏ cây dó, một dòng thử lửa là các bình lọ làm từ đất sét nung thành gốm.
Những lọ gốm Hương Canh kiệm đường nét, đơn giản nhưng không đơn điệu, mộc mạc mà tinh tế. Đây cũng là đặc điểm chính của gốm Bắc Bộ, chú trọng vào tỷ lệ màu đơn sắc và hình dáng của sản phẩm hơn là men gốm hay hình vẽ trên từng sản phẩm như gốm Nam Bộ.
Gốm Hương Canh có hình dáng đơn giản, màu sắc chủ đạo là màu đỏ đất sét đặc trưng
Làng gốm Hương Canh có tuổi đời hơn 300 năm. Gốm ở Hương Canh nổi tiếng bền, không bị thẩm thấu nước, đồ giữ trong các sản phẩm gốm Hương Canh không bị bay hơi hay mất mùi. Hiện nay, dù không phát triển hưng thịnh như những năm 1950 - 1970, nhưng những sản phẩm ở làng gốm Hương Canh vẫn được ưa chuộng và làng nghề vẫn duy trì hoạt động, mở rộng sản xuất thêm mảng đồ gốm mỹ nghệ, phù điêu...
Cũng như những sản phẩm gốm Hương Canh kiệm đường nét, các bức tranh trên giấy dó được nhóm họa sỹ G39 thể hiện một cách phóng khoáng, với các đường nét chấm phá trên chất liệu giấy dó, được sản xuất ở làng Dương Ổ (Bắc Ninh).
Tác phẩm: Bậu cửa. Tác giả: Doãn Hoàng Lâm. Bột than và acrylic trên giấy dó
Không ai rõ nghề làm giấy dó ở Dương Ổ có từ bao giờ, một số thông tin cho rằng nghề này có từ thế kỷ thứ 15.
Hiện làng giấy dó Dương Ổ chỉ còn 3 đến 4 nhà vẫn duy trì nghề sản xuất giấy dó truyền thống. Được biết, để có được một tờ giấy dó chất lượng phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, công phu. Giấy có đặc điểm bền, dai, hút ẩm tốt. Nghệ nhân làm giấy dó lâu đời cho biết, một tờ giấy dó nếu làm đúng quy trình có thể lưu giữ được khoảng 100 năm.
Bộ tranh "Kỷ Hợi" vẽ trên giấy dó. Tác giả: Phạm Trần Quân
Để thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, nhằm góp phần duy trì và phát triển nghề làm giấy dó, các nghệ nhân đã nghĩ ra nhiều sản phẩm giấy dó đa dạng như sổ, sách….
Sắc dó và gốm Hương Canh - tất cả đã tạo nên một không gian hoài cổ, thâm trầm. Đứng trước mỗi bình gốm, bức tranh vẽ trên những chẩt liệu mộc mạc, dân dã, người xem có thể cảm nhận được tình quê, hương quê trong quá khứ, hiện tại và suy ngẫm tới tương lai.
Triển lãm “Sắc dó và gốm Hương Canh” do nhóm họa sỹ G39 phối hợp với Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội tổ chức, thêm một địa điểm tham quan cho người dân và du khách tới thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Một số tác phẩm tại triển lãm:Tác phẩm: Nữ sinh. Tác giả: Lâm Đức Mạnh. Mực trên giấy dó
Tác phẩm: Ngẫu hứng phố 3. Tác giả: Nguyễn MinhTác phẩm: Mẫu tử. Tác giả: Nguyễn Phương Ly. Bột màu trên giất dó
Nghệ nhân Giang Thị Nhàn, làng gốm Hương Canh, trình diễn kỹ thuật vuốt gốm sành
Tác phẩm gốm của nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang, làng gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc)
Triển lãm "Sắc dó và gốm Hương Canh" diễn ra đến ngày 24/2/2019, tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ).
Hồng Điệp/ Vietnam Journey