Văn hóa

Sức sống Truyện Kiều trong đời sống hôm nay

11:44 - 04/12/2020
Trong lịch sử văn học Việt Nam, hiếm có tác phẩm văn học thể hiện sức sống bền bỉ trong lòng nhân dân như Truyện Kiều.

Truyện Kiều có sức sống trường tồn, bất diệt. Ảnh: Hà Nội mới

Từ một tác phẩm văn chương, Truyện Kiều đi vào đời sống bằng nhiều hình thức, trở thành “bộ phận không thể tách rời trong đời sống tâm hồn dân tộc Việt Nam nói chung và đời sống văn học nói riêng” - nhận định chung tại hội thảo khoa học quốc gia "Nguyễn Du - Truyện Kiều qua văn bản và các liên văn bản văn chương nghệ thuật" do Viện Văn học tổ chức mới đây.

Độ bao phủ của Truyện Kiều

Hàng trăm năm qua, Truyện Kiều luôn là đại thi phẩm được mọi người dân Việt Nam biết đến, trở nên quen thuộc như giếng nước, bờ ao, lũy tre quanh nhà. Mê Kiều, say Kiều, người dân nước Việt sáng tạo ra nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú và độc đáo như ngâm Kiều, vịnh Kiều, lẩy Kiều, đố Kiều, dẫn Kiều, ru Kiều, bói Kiều, nhại Kiều...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị An, với Truyện Kiều, chúng ta chứng kiến một hành trình đặc biệt từ không gian hẹp của đời sống văn hóa cao cấp (thi phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thi nhân tiêu biểu quốc gia, quan lại triều đình, nhà văn hóa tầm quốc tế) đến một không gian rộng hơn của đời sống bình dân (đông đảo người dân lao động, những người không được học hành). Nhiều người dân Việt dù không biết chữ vẫn thuộc lòng nhiều câu Kiều để vận dụng trong đời thường.

Độ che phủ của Truyện Kiều còn có thể thấy qua những câu ca dao như “Đàn ông chớ kể Phan Trần/ Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”, hay “Làm trai biết đánh tổ tôm/ Uống trà mạn hảo, ngâm nôm Thúy Kiều”. Những lời thơ trong Truyện Kiều cũng được nhân dân đưa vào các câu hát ví, giặm Nghệ Tĩnh, hát đối đáp giao duyên... Có thể nói, Truyện Kiều đã ngấm vào máu thịt của mỗi người dân Việt, chẳng thế mà cụ Phạm Quỳnh từng khẳng định: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”.

Truyện Kiều đã bay qua biên giới đất nước, trở thành tấm căn cước văn hóa của người Việt đi khắp năm châu. Qua thời gian, đến nay Truyện Kiều đã được dịch ra 20 ngôn ngữ với khoảng 75 bản dịch. Truyện Kiều được giới thiệu rộng rãi ở nước ngoài, và nhiều chính trị gia khi làm việc với các phái đoàn Việt Nam cũng đã trích dẫn nội dung Truyện Kiều trong bài diễn văn phát biểu của mình, bởi cho rằng “muốn tìm hiểu con người Việt Nam thì hãy tìm hiểu Truyện Kiều”.

Sức sống đương đại

Không chỉ đi vào đời sống dân gian, Truyện Kiều còn là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật khác ra đời. Ở thời hiện đại, sức sống của Kiều càng mạnh mẽ khi được chuyển thể sang nhiều loại hình sân khấu. Đó là phim Kim Vân Kiều của Công ty Phim và Chiếu bóng Đông Dương (Indochine Films et Cinémas), là vở opera Định mệnh bất chợt của Nguyễn Thiện Đạo, hợp xướng Truyện Kiều của Vũ Đình Ân, vở chèo Dòng lệ Tố Như, kịch hình thể Nguyễn Du với Kiều của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lan Hương, kịch nói Kiều của NSND Anh Tú, phim điện ảnh Kiều của Mai Thu Huyền, hay mới đây là các vở rối Thân phận nàng Kiều, nhạc kịch Kim Vân Kiều, ballet Truyện Kiều, múa Kiều…

Cùng với các hình thức chuyển thể sân khấu, Truyện Kiều được giới họa sĩ hết sức quan tâm. Xưa, nhiều danh họa như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm... đều đã minh họa Truyện Kiều. Mới đây, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn mở triển lãm tranh cá nhân Thư họa Truyện Kiều tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, rồi là Hội họa Truyện Kiều tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Chia sẻ về niềm say mê vẽ Kiều suốt hơn hai mươi năm qua, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn cho rằng: “Truyện Kiều xoa dịu nỗi đau thời thế. Dù là ở thế kỷ XVIII - thời đại của chiến tranh đau thương hay thời đại mới - thế kỷ XXI với nhiều nỗi khổ đau trong cõi nhân sinh thì Truyện Kiều vẫn mang đến cho độc giả một sức mạnh vô hình, phá bỏ lẽ truân chuyên luân thường để con người ta sống vượt lên nghịch cảnh. Giống như nàng Kiều khi ấy, vượt qua cõi trần lắm sóng gió để tìm về chốn an nhiên đoàn tụ”.

Không minh họa cho truyện, nhiều nhà văn, nhà thơ dâng tràn cảm xúc như muốn viết tiếp, viết thêm cho tác phẩm, tưởng nhớ tác giả, nhân vật. Biết bao thi sĩ đã viết về Kiều, về Nguyễn Du với xúc cảm đặc biệt. Đó là Nhớ Tố Như của Huy Cận; Nghĩ thêm về Nguyễn, Gửi Kiều cho em năm đánh Mỹ của Chế Lan Viên; Kính gửi cụ Nguyễn Du của Tố Hữu; Bên mộ Cụ Nguyễn Du của Vương Trọng; Thăm mộ Nguyễn Du của Hoàng Trung Thông... Vừa qua, tác giả trẻ Cao Nguyệt Nguyên đã tái tạo một phiên bản Kiều thể nghiệm đầy mới mẻ và táo bạo trong Truyện Kiều tự kể với mong muốn để “các nhân vật cất lên tiếng nói, với nỗi đau và suy tư nội tại”.

Với những giá trị vượt thời đại, vượt không gian, Truyện Kiều của Nguyễn Du không chỉ làm say mê giới nghiên cứu, phê bình văn học với hàng loạt cuộc hội thảo, công trình nghiên cứu mà còn trở thành nguồn cảm hứng để các lớp văn nghệ sĩ hôm nay sáng tạo không ngừng, góp phần giữ cho Truyện Kiều trường tồn.

Theo Hà Nội mới