Văn hóa

Tết sớm của người Mông ở Lào

10:44 - 27/11/2019
Cuối tháng 11 là bắt đầu thời gian khởi động cho những hoạt động văn hóa trong dịp ăn Tết truyền thống của cộng đồng người Mông ở Lào (gọi là Bun Kin Chieng), sẽ diễn ra đồng loạt từ cuối tháng 12 đến sau Tết dương lịch hằng năm ở những khu vực có đông người Mông sinh sống.

Ném còn tìm bạn 

Bun Kin Chieng là dịp để người Mông nghỉ ngơi, vui chơi sau khi kết thúc vụ mùa. Những ngày này, phụ nữ Mông diện những bộ váy áo sặc sỡ, xập xòe trong nắng ấm. Còn trai Mông thì đơn giản hơn với áo chàm, quần đen ống xòe rộng, dây thắt lưng vải viền hoa văn, với những hàng khuy nhiều mầu sắc do đôi tay khéo léo của mẹ và chị gái khâu cho cùng chiếc khăn len hững hờ trên cổ đi chơi hội. Trong tiếng khèn dìu dặt, tiếng lanh canh của những chiếc vòng bạc, lắc bạc nhịp nhàng, các chàng trai hào hứng hòa mình vào không khí lễ hội rực rỡ sắc màu.  

Bun Kin Chieng năm nay được khởi động sớm với cuộc thi người đẹp dân tộc Mông tại Vườn sinh thái Vientiane Pheuksa Garden - bản Danxy, quận Naxaithong, thủ đô Vientiane với nhiều hoạt động sôi nổi và rực rỡ sắc màu, thu hút hàng nghìn người dân và du khách đến tham dự và cổ vũ.  

Một gia đình người Mông đi chơi hội 

Ông Phouvong Phamisth - người Lào gốc Việt, ông chủ của Vườn sinh thái Pheuksa – điểm du lịch sinh thái hấp dẫn này, cho biết: Đây là năm thứ 3, cuộc thi người đẹp dân tộc Mông được tổ chức tại vườn sinh thái Pheuksa - nơi có nhiều người Mông ở Vientiane sinh sống. Những hoạt động như thế này là để giúp người Mông được giao lưu, tiếp thu cái mới, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình.   

“Chỗ này thu hút rất nhiều người Mông ở Viêng chăn và khu vực lân cận cả hàng ngàn người đến chơi. Tôi muốn tạo một chỗ cho người dân được vui chơi tết Mông. Thứ hai là để người Mông được học hỏi những cái mới, dám làm, dám nói. Thứ ba nữa là để người Mông biết tự hào về các giá trị văn hóa của dân tộc mình”, ông Phouvong Phamisth chia sẻ.

Trai gái Mông đi hội 

Ngoài cuộc thi sắc đẹp, Bun Kin Chieng của cộng đồng người Mông ở Lào còn có nhiều trò chơi truyền thống như đánh tu lu, đánh quay, đánh cầu lông gà, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, ném còn, thi biểu diễn khèn Mông... Đây còn là dịp để trai gái Mông đi tìm người yêu qua trò chơi ném còn, ném pao.

Xúng xính trong bộ váy Mông sặc sỡ, cầm quả còn chưa kịp ném cho bạn trai, Say Seng- mu-va, cô gái Mông tỉnh Udomxay, sinh viên khoa tiếng Pháp Đại học quốc gia Lào, cười tươi nói về trò chơi ném còn của trai gái dân tộc mình: “Đi chơi ở đây rất vui. Đến đây được giao lưu, gặp gỡ bạn bè. Nếu mình muốn tìm hiểu người nào thì mình ném quả còn vào người đó, thể hiện là mình thích người đó, để hai người có điều kiện làm quen với nhau.”  

Tranh thủ chụp ảnh và chỉnh sửa trang phục 

Bun Kin Chieng là lễ hội quan trọng nhất của cộng đồng người Mông ở Lào, là dịp để mọi người quây quần, tụ hội, tăng cường tinh thần đoàn kết dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của người Mông nói riêng và người dân Lào nói chung.

Một số hình ảnh cô gái Mông ở Lào trong cuộc thi sắc đẹp:

Một thiếu nữ Lào gốc Việt tham gia cuộc thi người đẹp dân tộc Mông Vientiane 

Rạng rỡ trong trang phục truyền thống

Mẹ và con gái tại cuộc thi 


Các thiếu nữ Mông tự tin trên sàn diễn 

20 người đẹp vào vòng chung kết 

Tập luyện trước giờ thi 

Luyện tập trước khi lên sàn diễn 

Những người đẹp của vòng chung kết 

Vân Thiêng - Đặng Thùy/ VOV Vientiane