Diều đã gắn liền với cuộc sống thôn quê bình dị của người dân xứ Nghệ từ bao đời nay. Ở các “làng diều”, cha truyền con nối, nhiều gia đình có mấy thế hệ cùng thích chơi diều. Nhà có người chơi diều thường sắm từ 1 - 3 con diều. Bãi sông, triền đê, đồng lúa và cả đường làng… đều là những nơi chơi diều lý tưởng. Thanh Chương được xem là địa phương có truyền thống chơi diều lâu đời ở trong tỉnh với các làng diều nổi tiếng ở các xã Thanh Yên, Thanh Khai, Thanh Lương...
Tùy vào lứa tuổi mà mỗi người chơi những loại diều khác nhau. Trẻ em từ 6 – 10 tuổi hay chơi diều bướm, diều rồng. Các em thiếu niên theo người lớn tập làm những con diều cánh cong vành trăng khuyết. Thanh niên và người già thì chơi những con diều lớn có kích thước sải cánh từ 2 – 4m với dàn sáo kép kỳ công. Thường thì ở “làng diều” có nhiều người biết làm diều.
Diều cách tân với màu sắc, kiểu dáng đẹp, thuận tiện khi tháo lắp đang thay thế dần những con diều kiểu cũ.
Các em nhỏ ở đây sớm tiếp thu niềm đam mê diều sáo và thành thạo các cách thức chơi diều như thả diều, giữ diều, cuốn diều…
Không ít người thợ xây, thợ mộc ở các “làng diều” khi đi làm cũng mang theo diều, trước khi làm việc, hay xong việc, gặp lúc gió lên cũng tranh thủ thả diều, chơi diều.
Diều có thể lên cao, ở mãi trên trời xanh, vi vu tiếng sáo suốt ngày đêm, nhưng cũng có khi gặp trục trặc như đứt dây, giông lốc, diều sẽ mắc ngọn cây, "tắm ao" hay phơi trên ruộng.
Chiều về trên các “làng diều”, từ trong làng ra ngoài bãi đều nhộn nhịp không khí chơi diều. Diều đã trang điểm cho bầu trời quê những sắc màu, thanh âm yên bình, lung linh và đem lại cho nhiều người thú vui tao nhã.
Huy Thư, baonghean.vn