Tiếng Tây Tạng từ “thang” có nghĩa là phẳng, do đó tranh Thangka là họa phẩm thực hiện trên mặt phẳng, có thể cuộn lại khi không cần trưng bày, nó được gọi là “tranh cuộn” là vì vậy.
Cũng có ý kiến khác cho rằng Thangka bắt nguồn từ từ “Thang yig”, tiếng Tây Tạng có nghĩa lả “ghi lại”. Hầu hết tranh Thangka đều có dạng hình chữ nhật. Tranh Thangka được dùng như một công cụ thuyết pháp, thể hiện cuộc đời của Đức Phật, các vị Lạt ma danh tiếng cùng chư Bồ tát, thánh thần. Một đề tài đặc biệt phổ biến là Pháp luân.
Loại Thangka màu thể hiện cả thần và nữ thần Hindu cùng các đề tài Phật giáo: Đức Phật tọa thiền, cuộc đời Đức Phật, Pháp luân, Mạn đà la, Dược Sư Phật...
Bức thangka khổng lồ tại Tu viện Sertri, thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc
Thangka hàm chứa nhiều công năng khác nhau: để tín đồ cầu nguyện và quan trọng hơn hết, tác phẩm nghệ thuật tôn giáo này được dùng như một công cụ thiền quán giúp cho hành giả giác ngộ.
Với các Phật tử, họ tin rằng, các bức tranh Thangka chứa đựng sự màu nhiệm, được chiêm ngưỡng tranh thangka là một niềm hạnh phúc, đặc biệt là trong các dịp các tu viện đưa tranh ra trải dưới nắng mặt trời trong các dịp lễ được gọi là “phơi tranh”.
Lễ phơi tranh thu hút rất đông các Phật tử
Thông thường, tranh Thangka điển hình thường nhỏ, có chiều dài hay chiều rộng khoảng 40 cm đến hơn 100 cm. Bên cạnh đó, vẫn có những bức tranh Thangka lễ hội rất lớn, thường là loại tranh khâu kết bằng nhiều mảnh vải hoặc lụa lại với nhau và vẽ hình tượng trên đó.
Loại tranh này thường treo trên vách tu viện trong những dịp lễ đặc biệt. Loại tranh này có chiều rộng lớn hơn chiều cao, có thể rộng đến trên dưới 15 mét và cao hơn 7 mét.
Tiểu Dương, theo NNC Huỳnh Ngọc Trảng