Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho thấy, nhiều hoạt động đã được tổ chức trong suốt thời gian qua như: Định kỳ 2 năm một lần tổ chức "Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa", tạo môi trường diễn xướng, bảo lưu văn hóa các dân tộc nói chung và dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa nói riêng; Tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh và đã giao các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các địa phương tiến hành bảo tồn, từng bước phát huy giá trị di sản; Xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa, đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
Tính đến hết năm 2018, tỉnh Thanh Hóa đã có 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 3 di sản văn hóa phi vật thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Trò diễn Pồn Pông người Mường huyện Ngọc Lặc, trò diễn Kin Chiêng bọc mạy người Thái (Như Thanh)…
Đặc biệt, tỉnh đã triển khai 12 dự án về bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số. Cụ thể, năm 2010 triển khai dự án bảo tồn làng Mường truyền thống tại Làng Lương Ngọc, xã Cẩm Liên, Huyện Cẩm Thủy; Dự án bảo tồn lễ tục làm vía kéo Xi - dân tộc Mường, huyện Cẩm Thủy; Lễ Xên người Khơ Mú – Huyện Mường Lát. Năm 2012 triển khai dự án tổng kiểm kê khoa học Mo Mường Thanh Hóa. Năm 2013 triển khai dự án "Bảo tồn hát Ru dân tộc Mường Thanh Hóa". Năm 2014 triển khai dự án "Bảo tồn hát Khặp của người Thái Thanh Hóa". Năm 2017 triển khai dự án "Bảo tồn lễ hội Chá Mùn, dân tộc Thái huyện Lang Chánh; bảo tồn, phục dựng lễ tục Sắc Bùa của người Mường; dự án Sưu tầm và bảo lưu một số trò chơi, trò diễn của người Mường Thanh Hóa; lễ cấp sắc của người Dao, lễ tục làm vía kéo si (dân tộc Mường), tục Cầu mưa, lễ Xên (dân tộc Khơ Mú), đám ma của người Mông, lễ Cầu nước (dân tộc Thái), Mo của người Mường, chữ viết dân tộc Thái, trang phục của dân tộc Thổ, dân ca Mường, tục ngữ, ca dao Thái…
Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay Thanh Hóa đã có nhiều chính sách và cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các địa phương sưu tầm, lưu giữ truyền dạy tiếng dân tộc. Đến nay đã sưu tầm, bảo tồn tiếng Thái và chữ Thái; sưu tầm, biên soạn, xuất bản Từ điển song ngữ Việt - Mường, Mông – Việt, Việt - Thái; mở lớp dạy chữ Thái trên địa bàn các huyện miền núi./.
Theo toquoc.vn