Văn hóa

Tọa đàm "Di sản Phật giáo thời Lý với Thăng Long - Hà Nội"

14:50 - 09/10/2020
Phật giáo thời Lý đã để lại những giá trị đa dạng, phong phú cho lịch sử Việt Nam nói chung, mảnh đất Thăng Long - Hà Nội nói riêng. Đây là khẳng định được các nhà nghiên cứu đưa ra tại tọa đàm “Di sản Phật giáo thời Lý với Thăng Long - Hà Nội” do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức sáng 9/10.

Tọa đàm khẳng định Phật giáo thời Lý mang những nét đặc sắc trong Di sản văn hoá Việt Nam. Ảnh: phatgiaovietnam.vn

Trong khoảng 200 năm vương triều nhà Lý tồn tại, Phật giáo đã để lại nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Đó là những giá trị di sản tư tưởng sâu sắc chứa đựng trong các dòng thiền, là quần thể chùa tháp Phật giáo được đánh giá là dày đặc ở kinh thành Thăng Long. 

Bên cạnh đó, Phật giáo thời Lý còn để lại các giá trị di sản phi vật thể đặc trưng trong các lễ hội như: Hội La Hán, Hội Nhân Vương, Hội đèn Quảng Chiếu, Hội Thiên Phật...

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam mong muốn tọa đàm này không chỉ nhằm tôn vinh Phật giáo thời Lý, mà quan trọng hơn là làm thế nào để kế thừa, phát huy giá trị Di sản Phật giáo thời Lý trong bối cảnh hiện nay: 

"Giáo hội tổ chức Hội thảo về phát huy giá trị di tích Phật giáo thời Lý để chúng ta khẳng định bản sắc văn hóa của Thăng Long hơn 1000 năm; đồng thời cũng là để phát huy những giá trị của nó đưa vào trong đời sống xã hội; giới thiệu đến bạn bè quốc tế về bề dày lịch sử của kinh đô Thăng Long Hà Nội, của Phật giáo nhằm phát triển du lịch và kinh tế xã hội".

Thu Thảo/VOV1