Ngôi biệt thự cổ tại địa chỉ số 128C Đại La, Hà Nội được Pháp xây dựng năm 1912 làm Đài Phát tín Bạch Mai, phục vụ liên lạc giữa chính quyền thực dân ở Hà Nội với cả nước, toàn Đông Dương và Paris - Thủ đô nước Pháp. Bằng hệ thống vô tuyến điện không dây, Trạm phát tín này đưa Việt Nam trở thành biểu tượng tiếp cận văn minh sớm nhất châu Á với kỹ thuật truyền tín hiện đại từ đầu thể kỷ 20
Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Trạm vô tuyến điện này được chính quyền cách mạng sử dụng làm trạm phát sóng phát thanh cho Đài Phát thanh Quốc gia (Trạm Phát sóng Bạch Mai). Tại đây, vào hồi 11h30, ngày 7/9/1945, Bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc qua làn sóng điện Đài tiếng nói Việt Nam đến với đồng bào, chiến sỹ cả nước và nhân dân thế giới, đánh dấu một thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.
Trạm phát sóng Bạch Mai cũng là nơi phát thanh viên Ngân Thanh, phát thanh viên nữ đầu tiên của Việt Nam, đọc bản tin đặc biệt vào 20h ngày 19-12-1946, đánh dấu thời khắc toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Bác Hồ.
Ngôi biệt thự Pháp cổ và một số công trình cổ thuộc Trạm vô tuyến điện báo ở địa chỉ 128C phố Đại La, được xây dựng từ năm 1912, sẽ bị tháo dỡ do vướng quy hoạch của dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở của UBND TP Hà Nội.
Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam.
PV: Thưa ông, tòa nhà Trạm phát sóng Bạch Mai không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử, mà còn mang ý nghĩa về di sản văn hóa; không chỉ có ý nghĩa với Đài Tiếng nói Việt Nam mà với lịch sử kháng chiến của dân tộc ta. Ông có thể nói gì về điều này?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Trước khi tòa nhà này là di tích lịch sử thì nó đã là một công trình văn hóa rất đặc sắc rồi! Thời kỳ Pháp thuộc, Bưu chính Đông Dương từng phát hành con tem có hình Trạm phát tín hiệu Bạch Mai. Trạm phát tín hiệu Bạch Mai này cũng là dấu mốc việc Việt Nam tham gia vào thế giới công nghệ hiện đại thời đó bằng việc phát đi tín hiệu không dây, trạm này không chỉ phát sóng trong Việt Nam hay vùng Đông Dương mà phát sang cả Pháp. Đó là một dấu ấn không thể phủ nhận cả về văn hóa và khoa học công nghệ.
Điểm thứ hai là tòa nhà này gắn với sự ra đời của một Nước-Việt-Nam-Mới. Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN) với tư cách là cơ quan phát thanh quốc gia đầu tiên của đất nước đã phát đi từ đây những văn kiện quan trọng như Bản Tuyên ngôn Độc lập, Mật lệnh Kháng chiến và Lời Kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến. Những chi tiết này bao hàm cả ý nghĩa văn hóa, dấu ấn lịch sử lẫn những ký ức hào hùng của dân tộc ta.
Ngôi biệt thự là Sở Vô tuyến điện của chính quyền thực dân Pháp, thực chất là trạm phát sóng vô tuyến điện được xây dựng vào tháng 10/1912
PV: Thời gian qua, sau khi có thông tin về chủ trương hạ giải tòa nhà, cộng đồng dân cư sống xung quanh, các chuyên gia về kiến trúc, di sản văn hóa và một số cơ quan báo chí đã thể hiện tình cảm, sự quan tâm đến việc bảo tồn tòa nhà. Một số bạn trẻ còn kí họa lại những bức vẽ rất đẹp về tòa nhà. Là người đứng đầu Đài TNVN, ông cảm thấy thế nào trước tình cảm của công chúng dành cho một công trình gắn liền với lịch sử của Đài?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Tôi cho rằng việc giới trẻ quan tâm đến những giá trị di sản, văn hoá, lịch sử của ông cha là tín hiệu rất đáng mừng. Thậm chí một số họa sỹ trẻ đã có những bức ký họa rất đẹp về tòa nhà. Tại sao lớp trẻ nghĩ được như vậy còn chúng ta thì lại không thể nghĩ ra hình thức bảo tồn tòa nhà?
Qua thời gian đương nhiên các công trình sẽ xuống cấp hư hỏng, nhưng trách nhiệm của chúng ta là phải tôn tạo, bảo vệ. Hà Nội đang có chủ trương phát triển đường trên cao, chúng tôi nghĩ chủ trương phát triển các công trình giao thông phục vụ mục tiêu kinh tế chính trị của Thủ đô là rất tốt, nhưng ở đây đang đặt ra vấn đề giữa phát triển và bảo tồn.
Ngôi biệt thự Pháp cùng một số công trình thuộc Trạm vô tuyến điện báo ở địa chỉ 128C phố Đại La (Hà Nội) sẽ bị tháo dỡ do vướng vào quy hoạch của dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở của UBND TP Hà Nội
PV: Chúng tôi được biết, Đài TNVN đã gửi công văn đến UBND thành phố Hà Nội để bày tỏ quan điểm về việc giữ lại tòa nhà Trạm phát sóng Bạch Mai. Ông có thể tiết lộ kế hoạch làm việc sắp tới giữa 2 cơ quan để tìm kiếm giải pháp vừa bảo tồn một di tích lịch sử, vừa có thể phục vụ cho mục tiêu phát triển đô thị của thành phố Hà Nội?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Bây giờ thời gian vật chất không còn nhiều nữa! Theo chủ trương, đến ngày 31/12 (nếu không có gì thay đổi), Hà Nội sẽ giao các cơ quan chức năng hạ giải tòa nhà này. Nếu điều đó xảy ra thì thật là đáng tiếc!
Vừa rồi tôi đã thay mặt lãnh đạo Đài TNVN ký một công văn gửi Hà Nội, đồng thời cũng đã báo cáo Thủ tướng và Phó Thủ tướng là có một sự việc như thế, cũng mong Chính phủ có ý kiến với Hà Nội nên tìm giải pháp thỏa đáng nhất để xử lý vấn đề này. Không chỉ tòa biệt thự này mà cả một số tòa biệt thự cổ khác do người Pháp để lại, chúng ta cũng cần có kế hoạch căn cơ để lập hồ sơ rồi đưa vào danh mục cần bảo vệ, tôn tạo, trùng tu để làm phong phú thêm văn hóa của chúng ta.
PV: Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ./.
Anh Tuấn/VOV2