Câu chuyện mất tiền đi ăn hàng mà còn bị "ăn chửi", bị mua bực vào người đã không còn xa lạ ở Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Bún chửi, cháo chửi, bánh đúc chửi... và đến cả trà sữa dạo cũng chửi khách!
Chủ quán chửi bị "ăn đòn" - cộng đồng mạng hả hê
Mới đây nhất, cộng đồng mạng xôn xao hả hê sau khi báo chí đưa tin bà chủ xe trà sữa chửi tại quận 5, TP HCM bị một khách hàng đánh vì văng tục và có thái độ coi thường khách. Bị chửi mắng thậm tệ, khách hàng này (chị H.K.Y) quá bức xúc đã dùng mũ bảo hiểm đập bà chủ quán.
"Nghe danh đã lâu về cái quán trà sữa chửi này nhưng không ngờ hôm nay tới lượt mình bị bà chủ cắn. Xui lại cắn ngay chỗ mình ngứa nữa mới ghê. Ngứa tay quá thì phải làm sao? Nón bảo hiểm vô đầu chứ sao."
Thông tin chủ quán trà sữa bị khách hàng đánh khiến nhiều người hả hê
Tuy là hành vi bạo lực nhưng lại được nhiều người ủng hộ. Trên mạng xã hội, rất nhiều bình luận bày tỏ sự hả hê khi thấy có người dám "thẳng tay trừng trị" bà chủ quán ghê gớm, hay bắt nạt và thường xuyên chửi mắng khách hàng vô cớ.
"Nhà tui gần cái xe trà sữa này, cháu tui đi học về thường hay ghé mua , cái cách bán hàng của 2 chị em bà này cực kỳ thô lổ vô văn hóa , nhìu lần tức mình tui cũng muốn nói nhưng lại thôi , hôm nay bị đánh quả là vỏ quít dầy có móng tay nhọn, đánh 1 lần cho tởn mà nếu ko ai uống tẩy chay cho biết mặt." (Nick T.V.C.M)
"Ai có fb chị này cho tui xin với, gia nhập fan club coi, tui cũng ghim mụ trà sữa này lâu rồi." (Nick D.Q.K)
Không chỉ có quán trà sữa hay chửi khách này, tại thành phố Hồ Chí Minh có nhiều quán chửi nổi tiếng khác cũng đã được nêu tên như như bánh đúc đường Phan Đăng Lưu, bánh cuốn đường Hòa Hảo, quận 10, bún nước đường Trần Kế Xương, quận Phú Nhuận, chè làng đại học ở Thủ Đức và gỏi đường Cô Giang, quận 1...
Bị chửi mà vẫn xếp hàng mua?
Quán bún dọc mùng ở Ngô Sỹ Liên, Hà Nội, nổi danh đã lâu không chỉ vì đã bán nhiều năm, nhiều món ngon mà còn bởi chủ quán "bà chằn" hay mắng chửi khách. Được gọi là "bún mắng", "bún chửi", đáng ra cái sự tai tiếng như vậy phải khiến việc kinh doanh lụi bại, thì trái lại, quán lai càng nổi tiếng hơn với "danh hiệu" kỳ quặc ấy.
Nhiều khách bị mắng thì chẳng bao giờ quay lại, nhưng cũng có những người nín nhịn cho qua để được ăn bát bún và tiếp tục quay lại mặc kệ nguy cơ chẳng may bị "ăn" chửi.
Nhưng dù có là người trực tiếp bị mắng chửi hay không, thì khi bà chủ quán cất giọng lên chửi mắng ai đó, những người xung quanh cũng đều phải nghe. Bát bún nóng hổi với những lời to tiếng tục tĩu bên tai, vậy mà có lẽ đa phần khách đến quán cho rằng cứ không phải chửi mình thì ăn vẫn ngon. Và cứ thế, quán vẫn đông nườm nượp dù có chửi, có đuổi.
Quán "bún chửi" Ngô Sỹ Liên còn nổi tiếng tới độ từng được CNN đến ghi hình.
Nhiều người nổi tiếng đã đến đây để thưởng thức bún
Quán bún ngan Nhàn ở ngõ Trung Yên cũng được biết đến là một quán bún ngon có tiếng ở Hà Nội và bà chủ quán này cũng gây ra nhiều ồn ào không kém. Nhiều vị khách cho biết bà chủ hay chửi khách, có thái độ phục vụ thiếu văn hóa. Thế nhưng dù có nhiều lần bị "tố", bị kêu gọi tẩy chay vì chửi khách, thì quán vẫn đắt hàng, lượng khách trung thành vẫn không suy giảm nhiều.
Xếp hàng để "được ăn" bún ngan chửi
Ẩm thực "chửi" đã trở thành "đặc sản" Việt Nam?
Bún chửi, trà sữa chửi…. chỉ là một vài ví dụ điển hình nhất về kiểu phục vụ khách hàng đi ngược lại những nguyên tắc của ngành dịch vụ. Ấy thế mà có nhiều người Việt Nam lại đang coi đây là một “đặc sản”, một trải nghiệm ẩm thực độc đáo. Thay vì tẩy chay, nhiều người lại thấy hiếu kỳ, tò mò, phải tìm đến tận nơi để thưởng thức, để xem thế nào là bún chửi, cháo chửi... hay để giải đáp thắc mắc quan có gì ngon đến mức chửi khách mà vẫn đông.
Ảnh cắt từ clip của CNN
Thậm chí, khi phóng sự về quán “bún mắng” ở phố Ngô Sĩ Liên được lên truyền hình CNN, nhiều người còn rộn ràng chia sẻ với niềm tự hào về "nét văn hóa ẩm thực" đặc sắc của Hà Nội được quảng bá rộng rãi đến bạn bè quốc tế.
Ngoài việc khen ngợi món bún chân giò dọc mùng, vị đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain còn dí dỏm ví von trên CNN, “món chửi của bà chủ quán cũng là thực đơn của quán ăn này”.
Việc CNN quay hình quán bún, một mặt là để quảng bá ẩm thực Việt Nam, nhưng mặt khác để chúng ta hiểu hơn về một "sở thích" thưởng thức ẩm thực "độc đáo" của một bộ phận người dân Việt Nam: bị nghe chửi vẫn ăn ngon lành.
Không biết có gì đáng tự hào khi cái xấu, cái vô văn hóa ngang nhiên tồn tại như vậy bị đem "kể" cho bạn bè quốc tế? Liệu khán giả nước ngoài khi biết về những quán chửi ở Việt Nam có cảm thấy thích thú hay ngưỡng mộ "nét ẩm thực" độc đáo này?
Chẳng ai còn lạ gì những cụm từ đã trở thành thuận miệng, quen tai như “bún mắng”, “cháo chửi”, “ốc lắm mồm” ở Hà Nội. Chủ quán cứ chửi xơi xơi, văng đủ những ngôn từ tục tĩu và chợ búa chát chúa vào mặt khách. Khách cứ giả điếc, im bặt không dám nói một lời, lẳng lặng xếp hàng, vô tư ngồi ăn, thậm chí đông quá không có chỗ còn đứng ăn.
Người xưa có câu “miếng ăn là miếng nhục” - chẳng nhẽ giữa thế kỷ 21 con người luôn hướng đến sự văn minh, hiện đại, mà chúng ta vẫn phải chấp nhận chịu nhục để được ăn?
Đã đến lúc phải có chế tài văn hóa
Quán chửi tồn tại và chỉ những ai bị chửi mới tẩy chay quán. Số đông còn lại coi đó là chuyện của người khác, không liên quan đến mình. Khi chủ quán bị đánh, cũng lại là số đông lên tiếng hả hê.
Điều đó cho thấy một thực trạng đáng báo động trong văn hóa ứng xử cũng như nhận thức văn hóa của người Việt hiện đại. Lối sống đề cao cái tôi cá nhân đã khiến người ta thờ ơ hơn với các vấn đề chung.
Chửi chỉ là một trong rất nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa, mà nhiều khi chỉ vì một câu chửi có thể xảy ra những hậu quả lớn hơn rất nhiều.
Như trong vụ chủ quán trà sữa chửi ở TP HCM bị khách hàng là chị H.K.Y đập mũ bảo hiểm. "Quá ấm ức, em cầm ly trà sữa quăng thẳng vô người bà rồi cầm nón bảo hiểm quất vô đầu 3-4 cái. Lúc đó mọi người không can chắc cái xe của bà cũng banh chành."
Việc con người trở nên vô cảm với những hành vi phản văn hóa, im lặng trước những thói hư tật xấu, rất đáng phải suy nghĩ. Khi mỗi cá nhân không ý thức được những phát ngôn xúc phạm, tục tĩu tác động thế nào đến đời sống cộng đồng, khi những người tử tế không tỏ thái độ bức xúc, không lên án những hành vi có thể hoặc sẽ làm vấy bẩn thuần phong, mỹ tục thì những "bún mắng, cháo chửi" vẫn còn đất sống.
Theo Ths Phạm Văn Chung, trong bài đăng trên báo Văn hóa gần đây, bên cạnh việc xây dựng văn hóa ứng xử phù hợp, kết hợp nhân rộng, lan tỏa các điển hình về người tốt, việc tốt trong ứng xử hằng ngày thì cần phải có chế tài xử lý đối với các hành vi thiếu văn hóa, ứng xử chưa phù hợp. Theo đó, những hành vi vô ý thức, thiếu văn hóa phải bị xử lý nghiêm, triệt để “đến nơi, đến chốn”, tuyệt đối không qua loa, hình thức, xem nhẹ.
Cùng với đó, dư luận xã hội phải lên án phản đối, tẩy chay các tổ chức, cá nhân có hành vi thiếu văn hóa, tiêu cực trong ứng xử hằng ngày. Có như vậy, mục tiêu xây dựng văn hóa ứng xử, thay đổi hành vi của người dân mới đi đến thành công, nề nếp và tạo thói quen ứng xử văn hóa cho mọi tầng lớp nhân dân trong toàn đời sống xã hội.
Như vậy, đã đến lúc cần có một chế tài văn hóa về ứng xử nơi công cộng sao cho phù hợp với thuần phong mĩ tục của Việt Nam.
Lương Trang - Hà Thu (t/h)