Ông Trịnh Đức Dụ, nguyên đại sứ, trưởng phái đoàn Việt Nam tại UNESCO nhiệm kỳ 1996-1999
Năm nay tròn 20 năm Hà Nội vinh dự nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình". Là người đầu tiên đón nhận tin vui, hẳn ông vẫn nhớ mãi những cảm xúc trong giờ phút đón nhận niềm vui đó?
"Trong khi chờ đợi kết quả xét duyệt, tôi cũng như cả phái đoàn Việt Nam tại UNESCO đều vô cùng hồi hộp. Khi nhận được thông báo kết quả rồi, phải nói rất sung sướng, hạnh phúc, và sau đó là niềm tự hào. Niềm tự hào của tôi cũng là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam, của thành phố Hà Nội, bởi vì đây là lần đầu tiên một tổ chức quốc tế trao tặng cho thủ đô Hà Nội giải thưởng Thành phố vì hòa bình.
Ngày 6/7/1999, ngày cuối cùng xét các hồ sơ tranh giải thưởng tại trụ sở tổ chức UNESCO ở Paris. Từ 9h sáng, chúng tôi đã có mặt tại trụ sở của UNESCO, ngồi ở phòng họp lớn để chờ đợi kết quả cuộc họp.
Đúng 12h trưa ngày 6/7, bà Katerina Stenou, Tổng thư ký chấp hành của giải thưởng UNESCO khi ấy gọi điện cho tôi thông báo và chúc mừng thành phố Hà Nội đã được trao giải thưởng Thành phố vì hòa bình của UNESCO. Lúc đó tôi sung sướng và hạnh phúc không biết nói gì. Tôi gọi điện ngay về Ủy ban quốc gia UNESCO ở Việt Nam, và lãnh đạo thành phố Hà Nội, lúc đó ở Hà Nội là sáng sớm. Sau đó tôi mới làm điện báo cáo chính phủ, Bộ Ngoại giao, Thành phố Hà Nội về kết quả xét duyệt.
Sau sự hồi hộp là niềm sung sướng và tự hào của một người đã tham gia trực tiếp vào việc vận động và tranh thủ sự ủng hộ của các nước. Tất nhiên đóng góp cá nhân, của phái đoàn chỉ rất là nhỏ thôi, chủ yếu là nhờ thành tựu của dân tộc, của đất nước ta trong suốt chiều dài lịch sử".
Đại sứ Trịnh Đức Dụ dẫn đầu phái đoán Việt Nam tại UNESCO, Paris năm 1999. Ảnh: NVCC
Đại sứ cho rằng đâu là lý do khiến Hà Nội vượt được qua các ứng cử viên mạnh khác, để được công nhận là thành phố vì hòa bình?
"Việc Hà Nội được UNESCO xét và trao giải thưởng "Thành phố vì hòa bình" có nhiều lý do.
Thời điểm đó, Việt Nam chỉ là một trong năm nước tiêu biểu cho 5 châu, khu vực trên thế giới được nhận giải thưởng. Ngay ở châu Á Thái Bình Dương có tới 11 nước đăng ký ứng cử giải thưởng này: Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nepal, Sri Lanka… Lúc đó UNESCO có khoảng 190 thành viên thì có tới 70 hồ sơ ứng cử giải thưởng Thành phố vì hòa bình.
Việc xét duyệt hồ sơ rất phức tạp vì số lượng hồ sơ rất nhiều và bối cảnh quốc tế cũng rất phức tạp. Chúng ta biết rằng, sau những năm 90, khối Đông Âu Liên Xô sụp đổ. Tình hình quốc tế diễn biến rất phức tạp, phương Tây phát động chiến tranh chống lại Nam Tư cũ, gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trên thế giới. Một số nước phương Tây rút khỏi UNESCO, và UNESCO gặp khó khăn về tài chính…
Do điều kiện kinh tế và tài chính của ta khi đó còn hạn chế nên không cử được các đoàn đi vận động các nước. Vì thế, phái đoàn phải trực tiếp vận động mà biên chế chỉ có hai cán bộ thôi… Có những ngày tôi có những cuộc vận động gặp gỡ hàng chục đại sứ và đại diện UNESCO cũng như cộng đồng các nước ở Pháp.
Để Hà Nội có thể được UNESCO trao giải thưởng "Thành phố vì hòa bình", lý do thứ nhất, mà tôi cũng dùng lý do này để vận động, đó là truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của nhân dân ta và cũng là của Hà Nội trong suốt công cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, cũng như khát vọng hòa bình của dân tộc ta.
Tôi đã trình bày với các nước về truyền thống hòa hiếu, nhân nghĩa của nhân dân ta trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trước đây. Về Hà Nội là thành phố có lịch sử ngàn năm văn hiến. Tôi kể về đại học Văn Miếu đầu tiên của nước ta ngàn năm lịch sử. Tôi kể về truyền thuyết hồ Hoàn Kiếm, để nói với các bạn về khát khao yêu chuộng hòa bình, truyền thống hòa hiếu của dân tộc Việt Nam.
Suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam luôn luôn thể hiện truyền thống đó. Lý do thứ hai, để tranh thủ sự ủng hộ, tôi cũng nói với các bạn về những khó khăn trong quá trình xây dựng, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội, sau mấy chục năm chiến tranh và đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng về nhiều mặt, đặc biệt là về giáo dục với thanh niên và lớp trẻ. Qua đó tranh thủ được cảm tình của bạn bè quốc tế để ủng hộ Việt Nam tại Hội đồng Giám khảo xét duyệt giải thưởng."
Đại sứ Trịnh Đức Dụ chia sẻ kỷ niệm về việc Hà Nội được UNESCO công nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" năm 1999 với PV Vietnam Journey
Ông có thể chia sẻ kỷ niệm sâu sắc nhất liên quan tới quá trình vận động để Việt Nam được trao tặng danh hiệu này?
"Trong quá trình vận động quốc tế, kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi là cuộc gặp với bà Katerina Stenou, Tổng thư ký chấp hành của giải thưởng UNESCO, đồng thời là một nhà văn, nhà văn hóa lớn của Hy Lạp.
Theo dự kiến ban đầu, bà sẽ làm việc với tôi khoảng 45-50 phút, rồi sau đó có chương trình khác. Nhưng thực tế cuộc gặp kéo dài tới 1 giờ 20 phút. Bà chỉ chăm chú nghe tôi trình bày về Việt Nam, về cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam, về truyền thống hòa hiếu nhân nghĩa của dân tộc ta, lịch sử ngàn năm văn hiếu của Thăng Long Hà Nội…
Bà ấy chăm chú ngồi nghe tôi trình bày từ đầu đến cuối, và sau đó nhận xét những câu rất sâu sắc, chân tình mà tôi ghi nhớ mãi: “Các bạn đã bảo vệ văn hóa, bản sắc dân tộc của các bạn, phong cách sống, cách nhìn nhận cuộc sống của các bạn. Các bạn đã trải qua và hiểu thế nào là tầm quan trọng của cuộc sống, tầm quan trọng của việc không dùng vũ lực và không muốn chiến tranh.”
Tôi có thể nói rằng, việc trình bày lịch sử và thành quả của chúng ta như vậy đã chạm tới trái tim của bà ấy. Và ngay khi có kết quả xét duyệt hồ sơ, bà đã gọi điện báo ngay cho tôi. Đây thực sự là một kỷ niệm rất sâu sắc trong đời hoạt động ngoại giao của tôi."
Những tư liệu báo chí quý giá về sự kiện Hà Nội được UNESCO công nhận là "Thành phố vì hòa bình" được Đại sứ Trịnh Đức Dụ lưu giữ cẩn thận
Việc được vinh danh thành phố vì hòa bình có ý nghĩa như thế nào đối với vị thế của Hà Nội, thưa Đại sứ?
"Phải nói rằng sự kiện Hà Nội được nhận giải thưởng thành phố vì hòa bình có ý nghĩa lớn về chính trị và ngoại giao. Đó là sự công nhận, ghi nhận và đánh giá cao của quốc tế đối với Hà Nội. Việc này có ý nghĩa không chỉ với Hà Nội mà cả đất nước ta.
Việc này giúp cộng đồng quốc tế thấy rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc không chỉ có yêu chuộng hòa bình, khát vọng hòa bình, đấu tranh cũng vì hòa bình, mà còn là một dân tộc có văn hóa lịch sử ngàn năm văn hiến và sau mấy chục năm chiến tranh đã giành được hòa bình, xây dựng và phục hồi đất nước đã đạt được những thành tựu như thế. Thế giới cần phải khuyến khích, Hà Nội là biểu tượng của sự liên kết, sự đoàn kết, hợp tác, và là tấm gương cho các nước.
Có một sự trùng hợp rất ý nghĩa là trong dịp Hà Nội kỷ 20 năm nhận danh hiệu thành phố vì hòa bình, cuối tháng 2 vừa qua, Hà Nội đã được lựa chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2, nhằm hướng tới phi hạt nhân hóa và chấm dứt chiến tranh Triều Tiên từ năm 1953 tới nay. Điều này chứng tỏ và khẳng định với thế giới là thủ đô Hà Nội có một vị trí đặc biệt trong việc kết nối, kiến tạo hòa bình trên thế giới và khu vực."
Xin cảm ơn Đại sứ!
Anh Vũ - Lan Hương/ Vietnam Journey