Mặc dù hơn 8 giờ cuộc tranh tài giữa các ghe Ngo mới bắt đầu, nhưng từ sáng sớm có rất đông bà con các địa phương đến đứng chật cứng tại hai bên bờ sông để cổ vũ. Theo Ban Tổ chức, có 10 đội ghe nam tham gia giải đến từ các địa phương gồm thành phố Sóc Trăng, huyện Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Châu Thành và chủ nhà Long Phú. Dù là giải cấp huyện nhưng không thiếu sự hấp dẫn và quyết liệt, các trận tranh tài với sự so kè của các ghe Ngo từng mét nước thật sự làm mãn nhãn của hàng nghìn khán giả hai bên bờ sông.
Giải đua năm nay có 10 đội ghe Ngo tham gia tranh tài
Sau lễ khai mạc các đội ghe Ngo bước vào thi đấu
Toàn đội nỗ lực hết mình
Hai ghe Ngo so kè quyết liệt Bứt phá về đích
Các đội ghe xuất sắc lên nhận giải thưởng của Ban Tổ chức
Sau gần 5 giờ tranh tài sôi nổi, ghe Ngo chùa Chrôi Tưm Chắs đến từ thành phố Sóc Trăng đã xuất sắc giành hạng nhất. Xếp hạng nhì là đội ghe của chùa Săng Ker, huyện Long Phú và hạng 3 là đội ghe chùa Đay Tà Suốs thuộc huyện Mỹ Tú.
Bên cạnh duy trì và phát huy môn thể thao truyền thống đồng bào Khmer được tổ chức hàng năm tại địa phương, giải đua ghe Ngo truyền thống huyện Long Phú cũng là cơ hội để cho các đội ghe Ngo trong và ngoài huyện có dịp thi đấu, cọ sát. Đồng thời, đánh giá kỹ thuật, chiến thuật trong quá trình tập luyện, rút kinh nghiệm trong thi đấu, để chuẩn bị lực lượng vận động viên tốt nhất cho cuộc tranh tài và giành thứ hạng cao trong giải đua ghe Ngo tại Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV, khu vực Đồng bằng Sông cửu Long năm 2019 sắp tới./.
Thạch Hồng/VOV ĐBSCL