Bên bếp lửa, vợ chồng ông Bàn Văn Vình (ở thôn Nà Hin, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) hát lại những điệu Páo Dung do chính ông Vình sưu tầm, sáng tác. Năm nay đã 74 tuổi, ông Vình là một trong số những người hiếm hoi ở Bắc Kạn còn có thể hiểu được trọn nghĩa của những câu hát và có thể sáng tác được các bài Páo Dung.
Đến giờ, ông đã sáng tác đến hơn 200 bài và sưu tầm, lưu giữ được hơn 100 bài do cha ông truyền lại.
Những bài Páo Dung với nhiều nội dung, từ tâm tư của đôi trai gái yêu nhau, đến lịch sử người Dao hạ sơn tìm cuộc sống mới, hay những bài ca ngợi bản làng đổi mới… Hát Páo Dung của đồng bào Dao được công nhận di sản quốc gia, mừng đấy, nhưng vợ chồng ông cũng không khỏi lo lắng khi lớp thanh niên trong bản gần như đã chẳng mấy ai còn biết đến câu hát này. Lo câu hát mai một, vợ chồng ông cùng cán bộ thôn, xã cũng đã mở lớp truyền dạy, nhưng cũng chỉ được vài buổi rồi chẳng mấy ai mặn mà.
Ông Bàn Văn Vình cho biết: “Lớp trẻ bây giờ thì chỉ lo đi học, học cao lên nữa để còn làm việc. Còn có đi làm công nhân, đi công ty cũng có nhiều tiền hơn, nên họ không quan tâm hát Páo Dung lắm đâu. Vừa rồi tôi tự phát sinh, mở lớp, mời mấy anh chị em còn thích hát Páo Dung thì về tôi dạy. Tìm được 5-6 người ấy, nhưng học được mấy buổi họ lại không học nữa”.
Đồng bào Dao là dân tộc có dân số đông thứ 2 tại Bắc Kạn, sinh sống tập trung tại một số huyện như Bạch Thông, Chợ Đồn, Ngân Sơn, Chợ Mới…Câu hát Páo Dung của người Dao Bắc Kạn nhẹ nhàng, mượt mà, sâu lắng và mang đậm chất tự sự.
Người Dao xưa thường dùng câu hát Páo Dung trong các dịp như hội xuân, thời kỳ nông nhàn sau Rằm tháng Bảy âm lịch hay hát vào các lễ Cấp sắc, đám cưới hỏi và cả trong những điệu ru con, khi lên nương, làm rẫy… Với những hội hát giao duyên, có khi kéo dài cả tháng này qua tháng khác.
Bây giờ, những hội hát giao duyên đầu xuân hay sau Rằm tháng Bảy đã không còn nữa. Câu hát dù vẫn có trong những lễ Cấp sắc, văn nghệ hội xuân hay ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc của bản làng, nhưng cũng chỉ còn đôi ba làn điệu do người đã trung tuổi thể hiện. Người có thể hiểu được câu hát Páo Dung như ông Bàn Văn Vình cũng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Ông Bàn Văn Bộ, dân tộc Dao Tiền cũng ở thôn Nà Hin, xã Quang Thuận cho hay, lần gần nhất ông tham gia hát Páo Dung giao duyên cũng là gần 30 năm về trước. Năm 2020, được sự động viên của xã, ông Bộ đứng ra thành lập câu lạc bộ hát Páo Dung của thôn Nà Hin với 9 thành viên và mời ông Bàn Văn Vình hướng dẫn. Đây cũng có thể xem là CLB Páo Dung đầu tiên được thành lập ở Bắc Kạn nhưng hoạt động khá chật vật.
Ông Bộ nói: “Hát Páo Dung giờ mai một rất nhiều rồi, bảo 50% thì không còn, chỉ còn cỡ 30% thôi. Bây giờ một số cụ ra đi dần dần rồi, người còn lại có biết hát cũng không biết nghĩa. Suy nghĩ đến việc bảo tồn văn hóa dân tộc, làng tôi đã thành lập Câu lạc bộ Hát Páo Dung. Nhưng được vài buổi, do bây giờ nhiều loại hình văn hóa thâm nhập rồi mỗi người đều bận công việc, sinh hoạt không đều nữa nên anh em cũng nản dần”.
Chị Bàn Thu Thủy, một thành viên CLB hát Páo Dung thôn Nà Hin cho biết thêm, dù khá bận rộn với công việc đồng áng, nương rẫy, nhưng với niềm đam mê câu hát truyền thống chị vẫn cố gắng tham gia, để tìm cách khơi dậy đam mê cho thế hệ trẻ hơn mình.
Chị Thuỷ chia sẻ: “Mình không nên bỏ cái bản sắc văn hóa của dân tộc mình, mình phải cố gắng giữ và phát huy. Lớp trẻ bây giờ không biết hát mình phải dìu dắt, truyền dạy cho cách hát, mình cố gắng thì vẫn sẽ giữ được điệu hát truyền thống của dân tộc mình”.
Tác giả trẻ người Dao - Triệu Hoàng Giang, Hội viên Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn cho biết thêm, hiện nay lớp trẻ quả thực không dễ tiếp thu được những nét tinh túy của câu hát Páo Dung, cộng với những loại hình văn hóa phong phú hiện đại khác, Páo Dung đứng trước nguy cơ mai một.
Dù đã ở tuổi gần đất xa trời, ông Bàn Văn Vình vẫn miệt mài tìm kiếm, sáng tác những bài Páo Dung mới. Với ông, câu hát cũng chính là hồn cốt của người Dao và còn sức khỏe, ông vẫn còn cố gắng để câu hát truyền lại cho thế hệ con cháu mình.
Công Luận / VOV Đông Bắc
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |