Với người con gái Thái đen Tây Bắc, khăn Piêu là một phần trong bộ trang phục, góp phần tô điểm thêm nét đẹp của họ. Trong đời sống, khăn Piêu được coi như món quà, một tín vật hay là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm của người con gái Thái.
Trong đời sống tâm linh, khăn piêu đựơc dùng để đặt lễ như Lễ tạ ơn, Lễ cúng ma nhà họ ngoại, sử dụng trong lễ Xên phăn bẻ (chém cổ dê), lễ Xên bản, xên mường (cúng bản cúng mường)… Đặc biệt khi nhà có tang, khăn Piêu được dùng làm lễ vật trong tang lễ.
Khăn Piêu có ý nghĩa là vậy nên đối với người con gái Thái đen xưa, ngay từ lúc còn bé họ đã được mẹ hướng dẫn thêu, làm khăn Piêu kỹ càng từ đường kim mũi chỉ, cách pha màu sao cho hài hoà. Nét hoa văn độc đáo trên chiếc khăn piêu không những thể hiện sự khéo léo của các cô gái Thái, mà còn có thể đánh giá được người thiếu nữ có đảm đang, chăm chỉ hay không.
Để làm được chiếc khăn piêu phải trải qua rất nhiều công đoạn hết sức tỉ mỉ. Vải làm khăn piêu là vải trắng tự dệt với sợi nhỏ, mịn, thường dài một sải. Sau khi chọn được miếng vải ưng ý sẽ đến các công đoạn nhuộm vải công phu từ chàm để thu được sải vải màu đen. Không chỉ nhuộm vải, chỉ dùng để thêu khăn piêu cũng được nhuộm kỳ công, màu sắc của chỉ cũng được lấy từ màu sắc của các loại cây cỏ, hoa lá có từ thiên nhiên.
Khăn piêu của người Thái không phải trang trí ở toàn bộ diện tích của khăn mà chỉ tập trung trang trí ở hai đầu. Nét đặc biệt của nghệ thuật thêu khăn piêu là các chị em thêu ở mặt trái nhưng hoa văn lại hiện ra ở mặt phải. Vì thế, để thêu được một chiếc khăn piêu đẹp theo lối truyền thống, đòi hỏi người phụ nữ Thái phải nắm chắc nguyên tắc, kỹ thuật đếm sợi vải.
Xã hội ngày một phát triển, lớp trẻ người Thái đen bây giờ nhiều người không biết thêu Piêu. Để gìn giữ, phát huy giá trị của khăn Piêu trong đời sống, những năm gần đây, nhiều địa phương ở Tây Bắc đã quan tâm đầu tư phát triển làng nghề thủ công truyền thống, trong đó có nghề kéo sợi dệt vải, thêu dệt khăn piêu, các mặt hàng thổ cẩm, đưa cuộc thi thêu khăn Piêu thành một trong các nội dung chính trong các dịp lễ hội của bản Mường.
Chẻo Thu/VOV Tây Bắc