Đây là hoạt động do Ban Quản lý Khu các làng dân tộc chủ trì, phối hợp với một số đơn vị tổ chức, nhằm giúp du khách hiểu thêm những nét văn hóa đặc trưng trong đón Tết, vui xuân của đồng bào các dân tộc ở một số vùng miền đất nước. Qua đó, góp phần bảo tồn, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, tăng cường giao lưu, gắn bó, đoàn kết giữa các dân tộc anh em nhân dịp đầu năm mới 2020.
Các hoạt động cũng là những điểm nhấn của chương trình tháng 1/2020 với chủ đề “Xuân về trên bản Mường”. Bên cạnh “Mâm cơm Tết” đặc biệt của nhiều dân tộc anh em, Chương trình giới thiệu với công chúng nghi thức “Lẩu Then” và khúc hát ngày Xuân; tái hiện “Lễ giải hạn đầu năm” của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tỉnh Thái Nguyên - một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian độc đáo, lâu đời còn được lưu giữ đến ngày nay.
Các hoạt động văn hóa của đồng bào các dân tộc anh em đã làm nổi bật không khí mừng năm mới tại “Ngôi nhà chung”, và góp phần giới thiệu những nét văn hóa sinh động trong bức tranh văn hóa đa sắc màu của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Trong không khí đầu năm mới, đồng bào các dân tộc tại “Ngôi nhà chung” cùng nhau chuẩn bị mâm cơm Tết, giới thiệu những phong tục truyền thống với mong muốn về một năm mới tốt đẹp, sung túc với bản làng, quê hương.
Mâm cơm Tết là sự kết hợp của ẩm thực truyền thống 3 vùng miền và sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc đang sinh hoạt hàng ngày tại Làng.
Mâm cỗ Tết là khâu nhục của dân tộc Tày; xôi ngũ sắc dân tộc Thái; thịt nướng lá bưởi, cơm lam nướng dân tộc Mường; gà nướng muối ớt, thịt lợn nướng muối ớt dân tộc Ba Na; cá nướng chấm sả, canh xương nấu nõn lá chuối non dân tộc Xơ Đăng và bánh Tét, bánh gừng dân tộc Khmer.
Đồng bào các dân tộc anh em quây quần trong không khí hồ hởi đón Tết.
Trong đời sống tín ngưỡng của dân tộc Tày, Nùng, tỉnh Thái Nguyên, Lễ cúng giải hạn đầu năm đặc sắc về hình thức lại vừa chứa đựng những giá trị cổ truyền.
Với một lòng tin thuần phác, đồng bào dân tộc Tày, Nùng làm lễ giải hạn đầu năm để bày tỏ mong ước về một cuộc sống an lành, sung túc. Hình thức sinh hoạt tín ngưỡng này đã tồn tại từ lâu đời và lưu giữ đến nay.
Bên bàn thờ tổ tiên, các hoạt động của thầy Then được diễn ra tại đây.
Màu sắc chủ đạo trong trang phục thầy Then là các màu chàm, đỏ, vàng, trắng. Mỗi một màu tương ứng với một vị thần. Khi những làm điệu then cổ cất lên tiếng xóc nhạc, đàn tính, lời then tạo nên không gian nghi lễ huyền ảo mang đậm dấu ấn tổng hòa của thiên, địa, nhân.
Trong lễ cúng giải hạn ngoài những lời Then, điệu hát thì thầy còn dùng thẻ gỗ để giao quẻ, xin tài lộc cho gia đình.
Các làng dân tộc Dao, Mông, Nùng đang hoạt động tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tái hiện không gian đón tết bằng việc trang trí dán giấy đỏ tại nhà.
Đồng bào các dân tộc phía bắc đến các làng chúc tụng nhau theo nghi thức truyền thống chúc Tết bằng tiếng dân tộc, và mời nhau chén rượu đầu xuân.
Các dân tộc anh em cùng nhảy sạp, ném còn đầu năm và cùng múa xòe ngày xuân, thể hiện tình đoàn kết gắn bó tại Ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em.
Theo dangcongsan.vn