Được chọn là 1 trong 40 nghệ nhân của huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên tham gia biểu diễn múa Tắc Xình tại phố đi bộ Hà Nội, chị Trần Thị Bắc, dân tộc Sán Chay đã có cơ hội được lần đầu tiên đặt chân về thủ đô.
Chị Bắc cho biết: "Lần đầu tiên về Hà Nội, chúng tôi rất vui và vui hơn nữa khi được mang đến đây điệu nhảy truyền thống của dân tộc mình."
Múa Tắc Xình được người Sán Chay biểu diễn vào mỗi dịp cầu mùa của dân làng, thể hiện ước nguyện về một năm mưa thuận gió hòa, lúa ngô được mùa.
Các nghệ nhân biểu diễn múa Tắc Xình trên phố đi bộ ở Hà Nội
Rất nhiều trong số 40 nghệ nhân người dân tộc Sán Chay này lần đầu tiên được đến thủ đô Hà Nội. Và cũng nhờ vậy, họ đã giúp cho công chúng thủ đô lần đầu được thưởng thức điệu múa Tắc Xình độc đáo này.
Màn múa Tắc Xình thu hút khá đông người tới xem, nhiều người mới lần đầu nghe nói đến dân tộc Sán Chay và điệu múa này. Một khán giả cho biết: "Lần đầu tiên biết đến. Tôi thấy các điệu múa mô phỏng cách họ gieo hạt, làm mùa. Qua đây, tôi hiểu thêm Thái Nguyên có những điều rất độc đáo, có thể một lần tôi sẽ thử đến tận nơi để xem."
Nhạc cụ độc đáo làm bằng ống tre trong múa Tắc Xình
Múa Tắc Xình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014. Qua nhiều thế hệ, điệu múa này hiện vẫn được đồng bào dân tộc Sán Chay của tỉnh Thái Nguyên lưu giữ. Quảng bá điệu múa đến với công chúng thủ đô, là cách để tỉnh Thái Nguyên mong muốn sẽ góp phần làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn di sản văn hóa vô giá này.
Nhạc cụ múa Tắc Xình khá đặc biệt, gồm: trống đất (náy cau) được tạo ra bằng cách đào một hố sâu xuống đất, trên mặt hố phủ một miếng vỏ cây để tạo âm vang. Người ta chăng một sợi dây rừng cố định, ngang mặt hố, rồi lấy một que nhỏ chống dây lên ở vị trí đúng tâm của hố đất và âm thanh sẽ phát ra khi gõ vào sợi dây; trống lớn, trống nhỏ, trống nứa (náy trooc); quả chuông, chiêng, chập xeng (sắm sẹ); kèn tổ sâu làm bằng lá cây, kèn pó lè; bộ gõ là các ống tre và que tre. Múa Tắc Xình có 9 động tác mô phỏng đời sống của người Sán Chay gồm: thăm và dọn đường, bắt quyết, mài dao, đánh dao, phát nương, tra mố, chăm sóc lúa, thu hoạch mùa màng, mừng mùa và trả lễ cho thần linh. “Múa Tắc xình của người Sán Chay” ở Thái Nguyên đã chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia theo Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTD của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. (Theo Cục Di sản Văn hóa) |
Vietnam Journey/ TTXVN