Là ngôi chùa được xây dựng bằng tâm huyết của một vị sư dành tình cảm lớn cho ngôi nhà của mình, vì vậy chùa Bửu Minh mang nhiều nét kiến trúc độc đáo.
Sự khác biệt thể hiện trong từng đường nét hoa văn của chùa. Đầu tiên phải kể đến cổng tam quan. Vẫn là cổng tam quan với 3 lối vào tượng trưng cho tam bảo, nhưng cổng tam quan chùa Bửu Minh lại mang những nét đặc biệt. Đó là những dấu ấn kiến trúc đặc trưng của “Hiển Lâm Cát” Đại nội Huế. Mô hình này đã được xin phép trước khi xây dựng.
Ngoài ra, mái trước chùa Bửu Minh chỉ có một đòn dông duy nhất, từ trụ giữa đến mái đầu đao cong đưa ra tới khoảng 3 mét. Các kiến trúc sư của chùa Bửu Minh đã phải trăn trở rất nhiều các đầu đao vươn ra rộng và cong mềm mại. Mái trước và mái sau của chùa dốc 45 độ, tạo dáng cao thanh thoát như mái nhà rông của các buôn làng Tây Nguyên.
Riêng mái sau lại được thiết kế mang tính đột phá hơn, phần tháp được đặt chính giữa tâm mái. Thường các tháp chùa Việt Nam tách rời với chính điện. Nhưng chùa Bửu Minh lại kết hợp cả hai tạo thành không gian chung. Với chiều cao 47 mét, chùa Bửu Minh được xếp vào những ngôi có có đỉnh mái cao ở Việt Nam.
Chánh điện luôn là không gian quan trọng nhất trong các ngôi chùa. Chánh điện chùa Bửu Minh với cách bài trí riêng thể hiện rõ nét sự từ bi, cũng như nhìn thấu nỗi thống khổ và thúc đẩy những hành động sẻ chia, giúp đỡ.
Ở vị trí trang trọng tôn nghiêm nhất là pho tượng Đức Phật tổ Thích Ca Mâu Ni với tuệ giác siêu việt, đem giáo lý từ bi, yêu thương giảng giải cho nhân loại, chúng sinh để giúp họ sống lành, sống thiện.
Bức tượng Phật Bà nghìn mắt, nghìn tay cũng thể hiện triết lý từ bỉ hỉ xả của đạo Phật. Mắt để nhìn khắp nỗi thống khổ của nhân gian, tay để giang rộng, hành động giúp đỡ. Với tư tưởng đó, những người theo Phật cũng mang trong mình sứ mệnh, hiểu cuộc đời, hiểu nỗi buồn đau, khó khăn của khắp nhân gian, từ đó có những hành động từ bi, dấn thân để mang lại cho cuộc sống những điều tốt đẹp hơn.
Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.