Cam Lộ là ngôi chùa lớn và linh thiêng của tỉnh Quảng Trị. Chùa tọa lạc tại đường Cần Vương, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, cách thành phố Đông Hà 10km.
Cam Lộ là huyện có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi ngang qua như Quốc lộ 1A, Đường Hồ Chí Minh, đường xuyên Á từ Lào… Nằm ở vị trí thuận lợi gần nhiều trục đường quan trọng, vì vậy, tạo điều kiện dễ dàng cho du khách vãng cảnh, hành hương đến chùa Cam Lộ.
Lịch sử hình thành và phát triển chùa, gắn liền với sự di cư và phát triển của con người và mảnh đất Cam Lộ. Vị trí hiện tại của chùa, là vị trí di chuyển thứ 3 sau quá trình di dân từ dòng sông Hiếu vào sâu bên trong. Điều đó cho thấy, trong gần 100 năm qua, ngôi chùa luôn đồng hành cùng người dân nơi đây, là chốn tâm linh quan trọng của vùng để họ gửi gắm khát vọng về cuộc sống an lành.
Điểm nhấn trong cảnh quan chùa Cam Lộ chính là ngôi bảo tháp Giác Nhiên. Vào năm 2016, ngôi bảo tháp này được công nhận là “Ngôi bảo tháp Giác Nhiên thờ Phật và xá lợi Phật cao nhất Việt Nam”. Bảo tháp cao 38m gồm 10 tầng được xây dựng nhờ phật tử xa gần góp công, góp của. Tháp được xây dựng vào đầu năm 2012 và khánh thành vào năm 2014. Đây là một trong những ngôi bảo tháp thu hút đông đảo người dân và du khách tới tham quan, thưởng lãm.
Với kiến trúc đặc trưng cùng cảnh quan hài hòa, chùa Cam Lộ đã trở thành điểm đến tâm linh thu hút phật tử và du khách không chỉ trong vùng, trong tỉnh mà cả du khách ở nhiều nơi tìm đến lễ Phật, tham quan, thưởng lãm.
Chùa Cam Lộ từng được Liên hiệp các tổ chức UNESCO Việt Nam công nhận “Việt Nam linh thiêng cổ tự” bởi sự linh thiêng cũng như những giá trị chùa mang đến cho phật tử trên hành trình đồng hành cùng người dân trong suốt hàng chục năm tồn tại và phát triển.
Từ ngôi chùa lâu đời của người dân trong vùng, chùa Cam Lộ đang trên hành trình trở thành khu du lịch tâm linh của tỉnh Quảng Trị. Mỗi năm, nơi đây đón hàng nghìn phật tử, du khách thập phương xa gần đến chiêm bái, tham quan. Đến chùa, không chỉ lễ phật, phật tử gần xa còn có điều kiện tìm hiểu về quá trình Phật giáo gắn liền với đời sống của người dân ở mảnh đất từng hứng chịu nhiều đau thương của bom đạn.
Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.