Chùa Hòe Nhai có tên chữ là “Hồng Phúc tự”, tọa lạc trên một khuôn viên rộng khoảng 3000m2 ở số 19, phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Chùa được xây dựng vào thời Lý. Trước kia, khuôn viên của chùa rất rộng, đến thời Pháp thuộc thì bị thu hẹp lại. Theo các văn bia ghi chép lại, chùa Hòe Nhai là một trong những ngôi chùa lớn cổ xưa ở kinh thành Thăng Long xưa, mà mỗi bước thăng trầm của chùa đều gắn liền với những sự kiện lịch sử của dân tộc.
Chùa Hòe Nhai xây hướng tây, theo lối kiến trúc “nội công ngoại quốc”. Đặc biệt, ở sân chùa, trước tòa Tam bảo có ba ngọn tháp, trong đó, tháp Ấn Quang xây dựng ngày 20/07/1963 để tưởng niệm Hòa thượng Thích Quảng Đức, người đã tự thiêu ngày 11/06/1963 để phản đối Đế quốc Mỹ và Chính quyền Ngô Đình Diệm đã tàn sát đồng bào yêu nước ở miền Nam.
Tòa Tam bảo hình “chữ Công” còn lưu giữ nhiều di vật như: Khánh đồng cao 1m, rộng 1,5m đúc năm Giáp Dần, niên hiệu Đức Long thứ 3 (năm 1734), đời vua Lê Thần Tông, cùng chuông đồng niên hiệu Tự Đức thứ 17 (năm 1864).
Ngoài ra, hệ thống tượng Phật ở đây cũng rất phong phú với nhiều chất liệu khác nhau như: đồng hun, gỗ quý, đất nện. Các pho tượng được tạo tác công phu tinh xảo, bố cục cân đối, mỗi pho tượng biểu lộ một vẻ riêng và mang nhiều giá trị nghệ thuật.
Đặc sắc và độc đáo nhất khi nhắc đến chùa cổ Hòe Nhai đó là pho tượng một vị Phật ngồi trên lưng một ông vua đang quỳ sát đất theo điển tích vua Đế Thích tình nguyện làm giường cho Phật Thích Ca ngồi thuyết pháp.
Nhịp sống nơi đô thị ngày càng ồn ào và tất bật, nhưng khi đặt chân đến với chùa Hòe Nhai giữa lòng Hà Nội, ta như cảm nhận được sự bình yên, cảm nhận được hơi thở lịch sử còn đọng lại trên các pho tượng cổ, trên các tấm văn bia… như một lời khẳng định về một ngôi chùa cổ, vẫn đứng đó, tiếp nối và gìn giữ nguyên vẹn những giá trị văn hoá nơi “chốn tổ” của một Thiền phái Phật giáo lớn ở Việt Nam./.
Mời quý vị xem lại các chương trình đã phát sóng trên kênh Vietnam Journey tại đây