Chùa Khmer Rạch Giồng nằm ở ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Đối với người Khmer, từ bao đời nay, nơi nào có phum sóc, nơi đó có chùa. Người Khmer luôn coi chùa là ngôi nhà lớn, quan trọng nhất, vì vậy chùa thường đường đặt ở vị trí trung tâm, nơi đất cao thể hiện sự thiêng liêng, với kiến trúc uy nghi, rực rỡ.
Trong tiếng Pali, chùa tức là Arama, cũng đồng nghĩa với công viên. Vì vậy, người Khmer luôn coi chùa như công viên. Đó là không gian thể hiện cuộc đời tu hành của Đức Phật giữa cỏ cây, hoa lá để khi bước vào, phật tử sẽ thấy sự thanh tịnh, nhẹ nhàng trong tâm hồn. Chùa Rạch Giồng có khuôn viên rộng gần 3ha, ở đó, tái hiện cuộc đời Đức Phật từ khi còn là hoàng tử cho đến khi nhập niết bàn. Với những bức tượng trong các tư thế khác nhau, đứng, ngồi, nằm, thể hiện các giai đoạn trong quá trình tu hành của ngài.
Trong văn hóa Khmer, rắn thần Naga là loài vật linh thiêng và gắn liền với Phật giáo. Có rất nhiều sự tích về cuộc đời Đức Phật với loài vật này. Trong đó có một sự tích kể rằng khi Đức Phật ngồi thiền gần bờ sông Much Cha Linh, trời nổi giông gió, mưa lớn, chúa rắn Naga bảy đầu xuất hiện và cuộn thân mình thành vách ngăn nước và lấy đầu làm mái che mưa cho Đức Phật. Vì thế, ở khuôn viên của nhiều ngôi chùa Khmer thường có hình ảnh rắn thần Naga che mưa cho Đức Phật.
Mỗi họa tiết, mỗi hình khối, mỗi nét kiến trúc của ngôi chùa Rạch Giồng chính là một nét văn hóa của đồng bào Khmer ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Đây vừa là không gian thiêng liêng, vừa là trung tâm sinh hoạt cộng đồng anh em sống trên địa bàn. Tìm hiểu về mỗi ngôi chùa Khmer, cũng chính là tìm hiểu về những bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Khmer./.
Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.