Video Về chốn linh thiêng

Chùa Tây Phương cổ kính, trầm mặc

Giữa không gian tĩnh lặng được bao trùm bởi cảnh sắc thiên nhiên khoáng đạt trên đỉnh đồi, chùa Tây Phương hiện lên với những nét cổ kính, trầm mặc, để lại ấn tượng khó phai cho nhiều du khách mỗi khi tới nơi đây.
18:20 - 16/10/2019

Chùa Tây Phương tên chữ là “Sùng Phúc Tự”, tọa trên đỉnh đồi Tây Phương, cao chừng 50m, còn có tên là đồi Câu Lậu, thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. 

Chùa Tây Phương  là nơi tập trung những kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo bao gồm chạm trổ, phù điêu và tạc tượng. Xung quanh chùa, ta dễ dàng bắt gặp những kiến trúc gỗ với các đầu bẩy, các bức cổn, xà nách, ván long... đều có chạm trổ đề tài trang trí quen thuộc của dân tộc Việt: hình lá dâu, lá đề, hoa sen, hoa cúc, rồng, phượng, hổ phù... rất tinh xảo được tạo ra dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng mộc ngay trong làng truyền thống Chàng Sơn - làng nghề mộc lâu đời và nổi tiếng của xứ Đoài.

Nhắc đến chùa Tây Phương, không thể không nhắc tới hệ thống tượng thờ với 64 bức tượng cổ chất liệu gỗ mít, được tạc và chạm khắc rất tinh xảo. Các bức tượng qua bao thời gian mang đậm nét cổ kính, trang nghiêm, khiến cho không gian nội chùa càng thêm trầm mặc, linh thiêng.

Đặc biệt, năm 1960, nhà thơ Huy Cận đến thăm chùa, đã viết những câu thơ thấm nỗi sầu nhân thế về hình tượng những con người đắc đạo mà lòng vẫn trầm ngâm suy tưởng về những khổ đau quằn quại của chúng sinh.

Các vị La Hán chùa Tây Phương

Tôi đến thăm về lòng vấn vương.

Há chẳng phải đây là xứ Phật, 

Mà sao ai nấy mặt đau thương? 

Trích thơ "Các vị La Hán chùa Tây Phương" (Huy Cận)

Chùa Tây Phương là ngôi chùa mang nhiều vẻ đẹp và giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh với những công trình kiến trúc cổ kính, độc đáo, là đóa hoa thơm ngát trên đồi Câu Lậu, núi Tây Phương, tô điểm thêm cho nét đẹp của những di sản của Thủ đô Hà Nội./.

Mời quý vị xem lại các chương trình đã phát trên kênh Vietnam Journey tại đây.