Người Mông trồng cây lanh từ độ tháng Giêng, khi tiết trời đã sang xuân. Những hạt lanh trộn thật đều cùng phân chuồng đã ủ hoai mục hoặc tro bếp, được rải thật mỏng, phủ đất lên, nằm ngoan ngoãn đợi những đợt mưa xuân tưới tắm, để rồi đến ngày, đến tháng trổ một màu xanh non khắp những triền núi của cao nguyên đá Đồng Văn...
Cây lanh trong đời sống của đồng bào Mông bao đời nay, không như những cây lương thực, cho bữa ăn no mỗi ngày. Cây lanh cho họ tấm áo, tấm quần đẹp mà không một gia đình nào thiếu trong nhà. Vải lanh dệt từ vỏ cây lanh gắn với cuộc đời con người từ lúc son trẻ cho đến lúc nằm xuống, trọn vẹn một cuộc đời...
Gia đình nào trồng lanh là biết ngay gia đình đó có người phụ nữ chăm chỉ, khéo tay, biết dệt vải lanh, giỏi may vá, thêu thùa... và như thế, người con gái sinh ra trong gia đình đó sẽ được rất nhiều người để ý.
Sau độ chừng 3-4 tháng, khi cây lanh cao quá đầu người, là đã đến mùa thu hoạch. Theo những người có kinh nghiệm, lanh thu hoạch sớm hay muộn thì vỏ cây đều không có chất lượng tốt, ảnh hưởng đến sợi lanh sau này. Nên người trồng lanh đều phải canh đúng thời gian để thu hoạch. Cây lanh vốn giòn, thân dạng cỏ nên người lấy lanh phải rất cẩn thận, nhẹ nhàng, để tránh sao cho thân cây không bị gẫy khiến sợi lanh sau này không đẹp.
Mang lanh về xong, họ phải phơi nắng cho thân lanh khô dần đi, rồi mới tiếp tục khâu tước sợi lanh. Việc tước sợi lanh cũng cần đến sự khéo léo. Tước phải đều, phải nhỏ vừa phải để sau đó, se sợi dễ dàng, chắc chắn. Những sợi lanh óng lên dưới ánh đèn ấm áp, là thứ thành quả tuyệt vời của những giờ lao động cần rất nhiều sự khéo léo, tỉ mỉ.
Lê Liên - Nguyên Hạnh - Trọng Đại
Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.