Video Không gian đẹp

Dấu ấn lịch sử tại bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Nằm trong con phố nhỏ Tân Nhuệ, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mới mở cửa đón khách tham quan là công trình kiến trúc cổ điển nhưng hiện đại.
20:42 - 27/08/2023

Dấu ấn lịch sử tại bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Ngay sau khi được UBND TP.Hà Nội quyết định thành lập bảo tàng vào ngày 30/12/2020, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - con trai Đại tướng cùng gia đình đã mời các chuyên gia về lĩnh vực bảo tàng, lịch sử, mỹ thuật tư vấn xây dựng đề cương chính trị, đề cương trưng bày, tổ chức sưu tầm, bổ sung tư liệu và hình ảnh. 

Tòa nhà bảo tàng được xây dựng từ tháng 10/2021 đến tháng 6/2022, với ý tưởng thiết kế lấy theo nguyên mẫu ngôi nhà số 34B Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội, nơi gia đình Đại tướng sinh sống, dựa trên ký ức và những kỷ niệm sâu sắc của các thành viên gia đình từ năm 1958 đến 1986.

Xưa kia, ngôi nhà 34B Lý Nam Đế là một trong những biệt thự đầu tiên được xây dựng ở Hà Nội vào những năm đầu thế kỷ 20, dành cho quan chức chính quyền Pháp. Sau khi giải phóng Thủ đô năm 1945, biệt thự được nhà nước thu hồi. Đến năm 1958, ngôi nhà được cấp cho gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sử dụng.

Bảo tàng được xây dựng theo đúng cung cách thiết kế của biệt thự cổ kiểu Pháp. Nhà 3 tầng, tường sơn vàng, cửa gỗ sơn xanh, lát gạch bông, cầu thang ngoài trời dẫn lối lên tầng 2.

Bước vào bảo tàng, du khách sẽ đi lên tầng 2 theo lối cầu thang để bắt đầu, tiến thẳng vào sảnh khánh tiết. Bởi theo kết cấu nhà cũ, phòng tiếp khách của gia đình sẽ được đặt tại tầng 2. Vì vậy sảnh khánh tiết của bảo tàng được coi như một căn phòng đón tiếp những vị khách quý, tạo không gian ấm cúng, gần gũi.

Điểm nhấn của không gian tầng 2 là những hình ảnh ghi lại dấu mốc cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được sắp xếp thành một vòng tròn, tượng trưng cho sự tuần hoàn và đó cũng coi như là trái tim của bảo tàng.

Mỗi góc trưng bày tại không gian tầng 2 của bảo tàng đều có dấu ấn riêng nhờ cách thể hiện chân thực, sinh động và khoa học. Không chỉ tái hiện chân dung vị tướng tài, mà qua cuộc đời của Đại tướng chúng ta cũng thấy được lịch sử quân sự Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng thể hiện rất rõ 3 phẩm chất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đó là đức, trí, dũng.

Màu sắc tô điểm cho kiến trúc bảo tàng bắt nguồn từ sự giản dị. Lớp tường sơn trắng ngà cùng ánh đèn vàng kết hợp với lớp thảm trải sàn màu đỏ tạo cho không gian cảm giác vừa ấm cúng, giản dị, vừa lịch sự, trang nghiêm.

Đặc biệt, hệ thống cửa trong kính ngoài chớp theo phong cách Pháp được sử dụng ở bảo tàng tạo hoài niệm về một thời.

Vào những năm đầu thế kỷ 20, khi xây dựng biệt thự ở Việt Nam, người Pháp luôn tính đến điều kiện và tác động của khí hậu trong thiết kế. Những dãy cửa trong kính ngoài chớp là một kiểu điển hình. Lớp cửa kính giúp cách nhiệt mà vẫn lấy được ánh sáng, lớp cửa chớp giúp trao đổi không khí bên ngoài kể cả khi cửa được đóng lại.

Men theo lối cầu thang gỗ đi xuống, du khách sẽ đến không gian tầng 1. Điểm nhấn ở khu vực này là 2 tiểu không gian được phục dựng lại gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đó là phòng làm việc trước đây của Đại tướng ở căn nhà 34B Lý Nam Đế và lán làm việc tại Trung ương Cục miền Nam. 

Lán làm việc được tái hiện công phu theo tỉ lệ 1:3. Vật liệu dựng lán lấy từ rừng Chàng Riệc, tỉnh Tây Ninh - chính là nơi đặt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam năm xưa, nay là khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Từng chiếc lá được lợp xếp chồng lên nhau đều tăm tắp, chằm thành tấm tranh, rồi lợp thành mái nhà giống như màu ngói mộc mạc, giản dị nhưng toát lên một sức mạnh kiên cường của dân tộc.

Cũng tại không gian này, phòng làm việc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại ngôi nhà 34B Lý Nam Đế cũng được tái hiện chân thực theo hình ảnh cũ được chụp lại.

Ấp ủ về một không gian lưu giữ những hình ảnh, kỷ vật về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ngay từ năm 1986, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng gia đình đã sưu tầm, lưu giữ và bảo quản công phu hàng trăm tài liệu hiện vật.

Hệ thống tượng trưng bày trong bảo tàng là một sáng tạo trong cách bày trí cũng như kể chuyện cho người xem. Những bức tượng khắc họa lại hình ảnh của vị Đại tướng trong các sự kiện đặc biệt, không chỉ tôn vinh cá nhân mà tôn vinh cả thế hệ.

Kết thúc hành trình tham quan, khi bước ra khỏi căn phòng tầng 1, du khách sẽ bắt gặp khoảng sân vườn rộng rãi với nhiều cây xanh vừa tạo điểm nhấn mang nét quê hương, vừa giúp cho không gian trở nên tươi mát, dễ chịu hơn. Tại khoảng sân này, chiếc ghế được đúc xi măng theo nguyên mẫu hình dáng khúc cột điện từng được Đại tướng tận dụng làm ghế ngồi trong sân ngôi nhà xưa.

Trước đó, ngày 4/7/2022, bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với gia đình Đại tướng tổ chức khánh thành và mở cửa đón khách tham quan. Cùng với Bảo tàng ở Huế, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội chính là địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và là nơi lưu giữ, lan tỏa những giá trị lịch sử.

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là minh chứng của cả một thời đại hào hùng, gắn bó với vận mệnh dân tộc, đồng thời là nơi khắc họa dấu ấn của người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Mỗi hiện vật được trưng bày ẩn chứa một câu chuyện riêng, thể hiện rõ cốt cách cũng như tài năng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Thực hiện: Tùng Lâm - Hồng Thúy - Sỹ Thành