Hòe Thị vốn là một ngôi làng cổ nằm trên con đường từ kinh thành Thăng Long - Cầu Giấy - Cầu Diễn vào bến đò Cổ Sở ven sông Đáy xưa, nay thuộc phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Làng mới lên phố chưa đầy chục năm, cuộc sống ngày một đổi mới, hiện đại nhưng con người thì vẫn mộc mạc, chân chất, vẫn một lòng, một dạ gắn bó với những giá trị truyền thống.
Thật bất ngờ là giữa một đô thị hiện đại vẫn có một ngôi đình cổ kính, trang nghiêm, gần như bảo toàn nguyên vẹn kiến trúc xa xưa. Theo nhiều tài liệu ghi chép lại, đình Hòe Thị được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, thờ thành hoàng Phan Ông Tây Nhạc, một danh tướng thời Hùng Vương và phu nhân. Tương truyền, đình là nơi đóng quân của Phan Ông Tây Nhạc. Sau khi chiến thắng giặc trở về, Phan Ông Tây
Nhạc đưa gia đình đến ở và lập dinh thự tại đây. Khi ngài mất, dân làng lập miếu thờ, sau sửa sang, mở rộng thành đình thờ ngài.
Trước đây, đình Hòe Thị nằm ở xóm Gáo ven con đường cổ đi từ Cầu Giấy qua Cầu Diễn, Thị Cấm đến bến đò Cổ Sở trên sông Đáy. Đến năm 1831, dân làng mới di chuyển đình ra vị trí bây giờ, nơi có khuôn viên rộng rãi và cao ráo.
Ở đình Hòe Thị, qua những đường nét kiến trúc, người ta cảm thấy rất rõ biết bao tình cảm, tâm huyết của các thế hệ đi trước. Dưới bóng hai cây hoa đại cổ thụ có tuổi đời đã hơn trăm năm, đình Hòe Thị thâm trầm và sâu lắng như một nét hoài cổ gợi nhớ về quá khứ xa xưa. Đối với những bậc cao niên trong làng, đình Hòe Thị là nơi gắn bó mật thiết với cuộc đời của họ, từ thuở niên thiếu, trải qua bao thăng trầm của đất nước, cho đến khi đã bước vào tuổi xưa nay hiếm.
Tam quan ngoại của đình được xây như một nếp nhà 3 gian. Dưới bàn tay tài hoa của những người thợ xưa, những đường nét, hoa văn, họa tiết điêu khắc trong đình trở nên mềm mại, gần gũi.
Trong đình hiện lưu giữ được khoảng 30 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến, sắc đầu tiên ghi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710).
Ngoài ra, đình Hòe Thị còn giữ được nhiều di vật khác có giá trị về lịch sử và mỹ thuật.
Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa cũng góp phần quan trọng trong việc giáo dục, nuôi dưỡng, gìn giữ truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa cho các thế hệ sau, để con cháu sau này của làng Hòe Thị đi đến đâu cũng nhớ về cội nguồn, nơi có cây đa, bến nước, sân đình...
Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.