Video Về chốn linh thiêng

Đền Chầu Mười Đồng Mỏ - Chốn thiêng tưởng nhớ vị nữ tướng anh linh

16:54 - 15/09/2023

Đền Chầu Mười Đồng Mỏ - Chốn thiêng tưởng nhớ vị nữ tướng anh linh

Tọa lạc tại thôn Mỏ Ba, xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn, đền Chầu Mười – một ngôi đền linh thiêng, gắn liền với vị nữ tướng anh linh hiển hách nhất xứ Lạng.

Truyện kể rằng, Chầu Mười vốn là người dân tộc Tày, dưới thời vua Lê Thái Tổ khởi binh chống giặc. Chầu sinh quán trong một gia đình có truyền thống đao cung võ nghệ bao đời trên đất Mỏ Ba (nay là Đồng Mỏ), huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Lớn lên Chầu lẫm liệt oai phong, trở thành vị nữ tướng tài ba, tập hợp nhân dân các dân tộc ở đất Đồng Mỏ, giúp triều đình đánh đuổi giặc Minh mưu đồ xâm lấn nước Nam ta. 

Chầu Mười đã chiêu mộ binh sĩ, rèn đúc giáo gươm quyết phò vua Lê Lợi diệt giặc cứu khổ muôn dân. Vua rất tin tưởng, giao cho chầu trấn giữ các châu, nơi cửa ải Chi Lăng.  

Năm ấy trận Chi Lăng, Xương Giang trăm bề gian khó nhưng vị nữ nhi vẫn xả thân chiến trường, một đao một ngựa giao chiến. Chầu đã lập công chém đầu tướng giặc Liễu Thăng. Kháng chiến thắng lợi, Chầu được vua phong công, giao cho cai quản vùng Mỏ Ba, Đồng Mỏ, trấn giữ ải Chi Lăng. Tại vùng Mỏ Ba, bà đã giúp dân lập xóm ấp làng bản, dạy dân làm ăn, được già trẻ xa gần ai ai cũng mến phục. Đến cuối mùa thu thì Chầu về tiên. Để tưởng nhớ công ơn của bà, nhân dân đã lập đền Chầu Mười trên chính quê hương Mỏ Ba của Chầu.

Đền Chầu Mười đã được hình thành trên những huyền tích ấy, trở thành một chốn tâm linh được người dân khắp vùng tôn kính. Và Chầu Mười trở thành một nhân vật linh thiêng bảo vệ người dân nơi đây.

Bước vào ngôi đền, du khách sẽ đi qua cổng tam quan với kiến trúc đặc trưng của văn hóa Việt. Cổng được thiết kế theo lối chồng diêm hai tầng tám mái. Bước qua cánh cổng, dường như mọi bộn bề, khổ đau của cuộc sống đều được bỏ lại phía sau nhường chỗ cho sự bình yên, an lạc trong tâm hồn.

Nổi bật trong khuôn viên rộng lớn của sân đền là cây đa cổ thụ tỏa bóng mát, nhuốm màu u tịch như điểm thêm nét cổ kính uy nghiêm cho ngôi đền. 

Dọc theo lối cầu thang vào đền chính là đôi rồng uốn khúc được chạm khắc tinh xảo. Đi hết cầu thang lên là bức chướng đặt trước cửa đền. Đây là nơi nhân dân thực hiện nghi lễ trước khi vào đền. 

Đền toạ lạc trên lưng chừng đồi cao khoảng 10 mét. Mặt trước ngôi đền nhìn ra hướng Tây Nam, lưng tựa vào núi. Mái đền được lợp ngói mũi hài, có hình ảnh lưỡng long chầu nhật mang đậm phong cách thời Lý – Trần. Tổng hoà ngôi đền được xây dựng theo hình chữ Đinh, bao gồm tiền đường, trung đường và hậu cung.

Tiền đường gồm ba gian thờ. Chính giữa là Ban Công đồng, nơi thờ Ngũ vị tôn ông ở chính giữa. Đây là những vị quan được tương truyền là con của Vua Bát Hải Động Đònh, gắn liền với những chiến công chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quốc thái dân an. Bên phải cuả tiền đường là Cung Trần triều, bên trái là Cung Sơn Trang. 

Không gian trung đường là nơi thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Tại đây có đặt tượng của 3 vị Thánh Mẫu là Đệ Nhất Thượng Thiên, Đệ Nhị Thượng Ngàn, Đệ Tam Thoải Phủ với màu sắc áo khác nhau tượng trưng cho các miền Trời, Rừng và Nước. Hai bên có cung thờ Cô Chín và Cô Bơ. Đây là không gian thờ các vị nữ thánh có quyền năng bảo trợ và che chở cho sự sống của nhân dân.

Hai bên tường của trung đường có đôi thanh xà, bạch xà, đây là biểu tượng tâm linh theo quan niệm của người xưa, giúp canh giữ ngôi đền. Nón công đồng được treo sát với chính điện, tạo nên sự tổng hòa với không gian của ngôi đền.

Dù mới được thu sửa nhưng không gian của ngôi đền vẫn giữ được nét xưa cổ kính với những vì kèo, câu đối được khắc trên những phiến gỗ quý. Qua bàn tay khéo léo của những người nghệ nhân với kỹ thuật chạm trổ điêu luyện, đường nét mềm mại, uyển chuyển làm tăng thêm vẻ đẹp cho kiến trúc của các gian thờ.

Gian trong cùng của đền là Hậu Cung, nơi thờ Chầu Mười. Ở chính giữa ban thờ có tượng Chầu Mười được làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng, phủ một lớp hoàng kim, phía trước có cửa bức bàn. Xung quanh, các bức hoành phi câu đối, khảm trai được treo ở các cột và trước ban thờ để ngợi ca vị tướng. Chầu Mười Đồng Mỏ là vị thánh chầu thứ mười trong hàng Tứ phủ Thánh chầu, đứng sau Chầu Chín Cửu Tỉnh, cũng giống như Chầu Tám Bát Nàn.

Bước ra bên ngoài không gian chính của đền, đi dọc theo đường vòng cung là các ban thờ nhỏ được xây dựng bao quanh lấy đền. Đó là Cung Cậu Bé, ban thờ Quan Sơn Thần, cung Chầu Bé và cung Cô Mười. Những cung này góp phần tạo nên một tổng thể không gian Đền Chầu Mười vững trãi.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi lại trận chiến Chi Lăng vào ngày 20/9, cũng trùng khớp với trận đánh mà Chầu Mười hi sinh: “Cuối thu mãn hạn về tiên – Nhân dân kỷ niệm lập đền Mỏ Ba”. Vì vậy tháng 9 hằng năm là tháng tiệc của chầu.

Chầu Mười thường hay loan giá ngự đồng trong các dịp tiệc vui hoặc tại các cửa đền ở đất Lạng Sơn. Khi ngự đồng, chầu thường mặc áo vàng, đầu đội khăn vàng cuốn chữ nhân, ra tay dấu 10 ngón, lưng đeo cờ lệnh. Sau lễ khai quang dân hương, chầu một tay múa kiếm, tay kia múa cờ lệnh như là khi chầu xông pha nơi trận mạc.

Trước đây, để đến thăm Đền Chầu Mười, du khách sẽ phải đi theo đường đất mòn, khó khăn trong việc di chuyển. Đến năm 2020, đền Chầu Mười đã được trùng tu lại, xây dựng với hệ thống cửa đền và sân đền rộng rãi, thuận lợi cho du khách vào tham quan. Tuy nhiên đền vẫn giữ lại được về cổ kính, trầm mặc giữa không gian núi đồi bình yên.

Trải qua chiều dài lịch sử của đất nước và thăng trầm thời gian

Ngôi đền Chầu Mười ngày nay đã được tu bổ khang trang hơn nhưng vẫn giữ nguyên được kiến trúc độc đáo, cổ kính.

Đến đây, nhân dân được bảy tỏ lòng biết ơn, truyền thống uống nước nhớ nguồn, tưởng niệm các vị anh hùng dân tộc đã có công đánh đuổi giặc, giữ gìn bình yên cho đất nước. 

Đền Chầu Mười là di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa. Đền đã trở thành một điểm đến tâm linh của nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Thực hiện: Tùng Lâm - Hữu Quảng - Lê Thanh