Ngôi chùa làng Ích Vịnh có tên chữ Phúc Long Tự, còn gọi là chùa Đống hay chùa Ích Vịnh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Xưa kia nằm trên phần đất phía tây sông Tô Lịch đoạn từ Văn Điển đến Lạc Thị là các làng cổ Quỳnh Đô (tổng Cổ Điển) và Vĩnh Ninh (tổng Vĩnh Hưng Đặng), đều thuộc phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Đến năm 1831 phủ Thường Tín thuộc vào tỉnh Hà Nội mới lập, năm 1904 cắt về tỉnh Hà Đông. Đầu năm 1946 hai làng Vĩnh Ninh và Quỳnh Đô sáp nhập thành xã Vĩnh Quỳnh. Trong kháng chiến chống Pháp, xã Vĩnh Quỳnh nằm trong liên xã Việt Hưng – Đại Hưng, gồm tới 11 làng. Tháng 7/1956 liên xã này được chia thành 3 xã, trong đó có xã Đại Hưng. Năm 1968 xã Đại Hưng lại đổi tên là xã Vĩnh Quỳnh, gồm có 3 thôn: Vĩnh Ninh, Quỳnh Đô và Ích Vịnh. Ngày 9/1/1990 Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng chùa Ích Vịnh là Di tích kiến trúc – nghệ thuật quốc gia.
Tương truyền chùa Ích Vịnh có từ thời Tây Sơn, dáng dấp ngày nay chủ yếu mang đặc trưng của nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Sau lần đại trùng tu và tôn tạo mới đây, chùa có mặt bằng xây dựng gần như kiểu “nội Công ngoại Quốc”. Tam quan gồm 3 gian xây 3 tầng 8 mái, cửa chính giữa cao to hơn 2 cửa phụ, tầng trên có gác chuông nhìn về hướng nam hơi chếch ra cái hồ vuông.
Tiền tế gồm 5 gian rộng lớn, kết nối với hậu cung thành hình chuôi vồ, cả hai đều xây kiểu 2 tầng 8 mái và ở trên tầng 2, mái đao cong vút. Sân sau cũng rất rộng, bên tả là vườn tháp mộ và cây cảnh, bên hữu có dãy nhà thờ Tổ và nhà thờ Mẫu.
Đối diện cổng chùa có hồ, trên hồ có một thủy đình nhỏ hình tứ giác với 4 cột tròn, bên trong đặt pho tượng Bồ tát Quan Âm.
Mặc dù chùa đã được chỉnh trang, xây sửa nhưng chùa hiện nay mang những nét kiến trúc thuần Việt. Các hình hoa văn đắp nổi trên những cuốn thư, ấn chương, thư họa sắc sảo mà tinh tế.
Bên cạnh đó là kiến trúc gỗ cũng được tọa tác, điêu khắc công phu, tạo nên sự trầm mặc cho không gian linh thiêng của ngôi chùa.
Những nét nghệ thuật đặc sắc thể hiện không chỉ ở kiến trúc gỗ hay đắp nổi linh vật mà khi bước vào chính điện Tam bảo, hệ thống tượng thờ cũng để lại nhiều ấn tượng cho khách tham quan.
Với cuộc sống hiện đại, xóm làng ngày nay cũng thay da đổi thịt nhưng cùng với những di tích lịch sử của làng như đình, chùa, đền, miếu… đó vẫn luôn là những nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh, nơi chứng kiến những bước thăng trầm và sự phát triển của mỗi mảnh đất, con người qua bao thế hệ. Và ngôi chùa Phúc Long từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo của các Phật tử, của người nhân dân Ích Vịnh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì và du khách thập phương.
Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.