Video Làng nghề Việt

Gìn giữ nghề dệt thổ cẩm của người Nùng xứ Lạng

Phụ nữ Nùng xứ Lạng giờ không còn trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm nhưng họ vẫn cần mẫn dệt những chiếc khăn, thêu những họa tiết làm đẹp cho trang phục mang bản sắc của dân tộc mình.
10:45 - 15/04/2021

Xã Hải Yến, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, là nơi có tới 99% người Nùng sinh sống. Từ đời này sang đời khác, họ gắn bó với đồng đất, với rừng núi, với thiên nhiên cây cỏ nơi này. Như nhiều dân tộc khác, người Nùng cũng có truyền thống trồng bông se sợi dệt vải, trồng chàm để làm thuốc nhuộm. Nhưng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, có sẵn nhiều loại vải, nhiều loại sợi mà giá thành lại rẻ nên người Nùng ở đây đã không còn tự trồng bông, trồng chàm để làm trang phục dân tộc. Điều đó cũng khiến cho nghề dệt thổ cẩm của người Nùng bị phai nhạt dần.

Việc dệt vải, thêu thùa trước kia với con gái Nùng rất được coi trọng. Nhìn vào tấm vải dệt hay đường kim mũi chỉ sẽ biết đâu là cô gái khéo léo, đảm đang. Khi về nhà chồng họ sẽ mang theo chăn, gối, quần áo tự làm và coi đó như "của hồi môn" cho hạnh phúc lứa đôi. Bởi thế mà trước đây, các mẹ, các bà rất coi trọng việc truyền dạy nghề dệt cho con gái từ khi còn nhỏ. Thế nhưng, ngày này việc dạy cho các em gái nhỏ biết dệt thổ cẩm đã hạn chế hơn rất nhiều.

Ngoài những giờ lên nương rẫy, những người phụ nữ Nùng lại ngồi bên nhau để cùng nhau thêu thùa, làm đẹp thêm cho những bộ trang phục truyền thống. Họ vừa làm, vừa chuyện trò, vừa chia sẻ những cách thêu mà mình biết cho chị em chưa biết. Đó cũng là để lưu giữ không chỉ các hoa văn, họa tiết mà còn là lưu giữ nét văn hóa thông qua trang phục truyền thống. 

Trang phục của người Nùng có kiểu dáng đơn giản, ít họa tiết nhưng trên những phụ kiện như túi, mũ, khăn thì các hoa văn họa tiết lại được trang trí sặc sỡ, bắt mắt và nổi bật. Đường nét mềm mại, uyển chuyển, gần gũi với tự nhiên. Đó là sự cách điệu họa tiết hình mặt trời, hoa lá...

Giữa núi rừng của mảnh đất biên giới phía Bắc, từ người già đến em nhỏ dân tộc Nùng vẫn tự hào khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống. Có những con người vẫn lặng thầm gìn giữ nghề của cha ông. Chính họ cùng tình yêu, niềm tự hào về bản sắc truyền thống đã giúp cho nghề dệt thổ cẩm, thêu tay truyền đời qua nhiều thế hệ đã không bị quên lãng trong đời sống hiện đại ngày nay.

Kinh nghiệm bỏ túi:

- Xã Hải Yến thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, nằm cách thành phố Lạng Sơn khoảng 20km, với gần 100% dân số là đồng bào dân tộc Nùng.

- Cùng với việc xây dựng đời sống văn hóa mới, những năm qua, người Nùng ở Hải Yến vẫn luôn chú trọng gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc từ trang phục tới tiếng nói, các làn điệu dân ca, cùng những điệu múa sư tử mèo.

- Đến Hải Yến, du khách không chỉ trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm hay tham gia các lễ hội độc đáo của người Nùng mà còn có thể kết hợp tham quan các điểm du lịch ở trung tâm thành phố Lạng Sơn cách đó không xa, như: động Nhị Thanh, Tam Thanh, núi Tô Thị, thành nhà Mạc cùng nhiều điểm di tích danh thắng nổi tiếng khác của mảnh đất xứ Lạng.


Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.