Trong lịch sử tồn tại và phát triển của các dòng gốm cổ truyền ở Việt Nam, hiếm dòng gốm nào có số phận thăng trầm như Chu Đậu. Phát triển rực rỡ rồi lụi tàn, cho đến ngày được hồi sinh và phát triển mạnh mẽ, gốm Chu Đậu đã góp một phần không nhỏ cho sự đặc sắc của tinh hoa văn hóa Việt Nam.
“Nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ họa”. Với gốm Chu Đậu, phải nhấn mạnh đến yếu tố “họa” bởi nét vẽ tự nhiên, mềm mại hơn hẳn so với các dòng gốm khác. Các tác phẩm vẽ gốm đều do người vẽ tự sáng tác ra và ít qua vẽ nháp.
Giá trị văn hóa đặc sắc nhất của gốm Chu Đậu là vẻ đẹp về dáng, sáng về men, hoa văn trang trí tinh xảo. Từ những khối đất vô tri vô giác mà thoắt cái đã thăng hoa, trở thành những sản phẩm sinh động, gần gũi với cuộc sống, chan chứa yêu thương, thể hiện tinh thần từ bi bác ái của đạo Phật. Những hoa văn trang trí trên gốm Chu Đậu khiến người xem cảm nhận được bản sắc văn hóa đậm đà của con người Việt Nam. Chính vì vậy có thể hiểu tại sao cách đây nhiều thế kỷ, gốm Chu Đậu đã đến với nhiều nước trên thế giới.
Kinh nghiệm bỏ túi:
Muốn đến làng gốm Chu Đậu, từ trung tâm thành phố Hà Nội, bạn di chuyển theo quốc lộ 5 qua thành phố Hải Dương khoảng 8km rồi rẽ theo quốc lộ 183, đi thêm khoảng 20km nữa là tới thôn Chu Đậu, nơi có làng gốm cổ Chu Đậu khi xưa.
Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.